Ùn tắc giao thông trước cổng trường: Đau đầu tìm giải pháp

Tập trung rất nhiều trường học với số lượng học sinh lớn nên vấn nạn ùn tắc giao thông trước các cổng trường tại Hà Nội đã và đang trở thành vấn đề gây nhiều bức xúc cho người dân, đặc biệt là vào thời điểm năm học mới chính thức bắt đầu. Nguyên nhân đã rõ, các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện là bao.

“Ma trận” xe cộ giờ tan trường

Trong tình hình giao thông căng thẳng tại các đô thị lớn như hiện nay, hình ảnh lộn xộn trước cổng trường học dường như đã trở nên quen thuộc trong mắt nhiều người. Sự chen lấn, ùn tắc xảy ra dần hình thành nên thói quen trong suy nghĩ của một bộ phận phụ huynh rằng “tắc ở cổng trường là đương nhiên”.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, từ giữa tháng 8 đến nay, khi học sinh bắt đầu trở lại trường học thì giao thông tại các cổng trường lập tức trở về trạng thái căng thẳng. Tại hàng trăm điểm trường trên địa bàn Hà Nội, vào các khung giờ cao điểm, tình trạng phụ huynh dừng đỗ ô tô, xe máy dưới lòng đường, trên vỉa hè để đưa đón con đã gây ra ùn tắc nghiêm trọng.

Điển hình như tại trường Tiểu học Dịch Vọng B, Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông), Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thực nghiệm khoa học giáo dục (số 50-52 phố Liễu Giai, quận Ba Đình), Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) … hầu như ngày nào cũng diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức, văn hóa giao thông của học sinh và nhiều phụ huynh còn hạn chế. Dễ thấy nhất là cảnh người đỗ dọc, kẻ dựng ngang xe một cách phản cảm. Chỉ cần một số người vô ý thức, lòng đường bỗng dưng trở nên lộn xộn, chật cứng bởi lượng người và xe.

Vỉa hè rộng cũng được các phụ huynh “trưng dụng” làm nơi đỗ xe chờ đón con. Ở góc độ nhìn nhận khác, theo nhiều phụ huynh, sở dĩ có hiện tượng ùn tắc trước trường học vào những giờ tan trường là do quỹ đất vỉa hè dành cho các trường không đủ để chứa nhiều xe trong cùng một thời điểm, nhiều phụ huynh phải đứng dưới lề đường…

Chị Trần Thị Hương có con trai đang học lớp 9 tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Cầu Giấy) bức xúc: “Mỗi ngày tới đón con tan học tôi đều chứng kiến cảnh tượng hàng dãy ô tô, xe máy dừng đỗ bừa bãi. Hình như tâm lý của ai cũng muốn đỗ thật gần cổng trường nên các phương tiện cứ chen lấn, đan xem vào nhau, cái dựng ngược, cái dựng xuôi khiến giao thông trở nên nhốn nháo. Thêm nữa, do vỉa hè tại đây không đủ rộng nên nhiều phụ huynh phải đứng tràn cả xuống lòng đường”.

Một người dân khác sống ở cạnh trường Tiểu học Dịch Vọng B (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) cho biết: “Quanh trường học, chỗ nào tôi cũng thấy người ta đứng tràn lan ra cả đường lẫn vỉa hè gây cản trở, ách tắc giao thông. Theo tôi không nhất thiết phải đi đón con cái bằng ô tô mà nên bằng xe máy thì sẽ gọn hơn. Nhưng trên hết, ý thức của một số người còn kém, vì cứ tiện đâu, đỗ đấy không quan tâm tới việc sẽ gây ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện khác”.

Đa phần ý kiến đều cho rằng, trong bối cảnh ý thức của các chủ phương tiện, các bậc phụ huynh chưa cao, trong khi cơ sở hạ tầng và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn quá khiêm tốn thì việc ùn tắc, chen lấn trước cổng trường rất khó có sự chuyển biến.

Cần sự kết hợp đồng bộ

Nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại cổng trường, chính quyền và công an các địa phương cùng các nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp như bố trí lực lượng chốt trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa; bố trí lệch giờ học; tăng cường tuyên truyền vận động phụ huynh tuân thủ các quy định về khu vực được dừng, đỗ xe.

Đơn cử, tại Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) để số lượng người và phương tiện không bị tăng đột biến vào cùng một thời điểm, nhà trường đã quy định giờ tan học của các khối cách nhau từ 5 đến 10 phút. Trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh lại lựa chọn phương án, phân chia lịch học so le giữa các khối (2 lớp học sáng, 2 lớp học chiều.

Hay như trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông) với số lượng học sinh đông, mỗi giờ tan nhà trường bố trí mở hai cổng chính và phụ ở hai con phố khác nhau, giảm tải lượng phụ huynh, học sinh tập trung dồn ở một phố.

Cùng cách làm với trường Tiểu học Đoàn kết, hơn một năm nay, trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) ngoài cổng chính ở phố Lê Đại Hành đã cải tạo, xây dựng thêm cổng mở ra phía đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài để có thể mở hai cổng cùng lúc nhằm tăng khả năng lưu thoát. Một số trường trung học phổ thông tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong giờ cao điểm…

Các giải pháp trên đã mang lại một số hiệu quả nhất định, góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông trước các cổng trường học. Thế nhưng, đây mới chỉ là những giải pháp tình thế, không mang lại được hiệu quả lâu dài do hiện nay nhu cầu dừng đỗ xe quá lớn trong khi cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại lại quá chật hẹp.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội: Việc các bậc phụ huynh đỗ xe tràn lan, gây mất trật tự, ách tắc giao thông trước cổng trường học hiện nay là vấn nạn đáng lo ngại, tồn tại kéo dài và diễn ra liên tục. Đây là hành vi vi phạm giao thông, nhưng để xử lý thì rất khó.

Bởi lẽ, vấn đề này xuất phát từ nhu cầu thực tế của các bậc phụ huynh là đưa đón con đi học, trong khi cơ sở hạ tầng các đoạn đường đi qua trường chưa đáp ứng được. Mặt khác, rất khó để quy trách nhiệm cho lực lượng chức năng mà cụ thể là trật tự phường, vì không thể đủ người để ngày nào cũng xử phạt những vi phạm này, mà xử phạt thì… không xuể.

Theo các chuyên gia giao thông, tắc đường tại các cổng trường không chỉ là câu chuyện của giao thông, mà còn là vấn đề xã hội. Tình trạng chọn trường, chọn lớp, học trái tuyến đã khiến cho quãng đường di chuyển từ nhà đến trường trở nên quá xa. Giao thông hỗn hợp thiếu an toàn, nên hầu hết các bậc phụ huynh đều chọn cách trực tiếp đưa – đón con em đến trường bằng phương tiện cá nhân. Xe buýt học đường dù đã có nhưng chủ yếu do các trường ngoài công lập triển khai nên mới đáp ứng được một phần nhu cầu rất nhỏ.

Để có “lối thoát” cho ùn tắc tại cổng trường, một trong những giải pháp quan trọng là buộc phải hoàn thiện hệ thống xe buýt học đường để học sinh có thể đến trường an toàn với mức chi phí phù hợp mà không cần sự đưa đón của bố mẹ. Xe buýt học đường sẽ chỉ hoạt động vào những khung giờ nhất định nhằm tránh ùn tắc. Khi đó, giải pháp bố trí lệch giờ làm của người lớn với giờ học của học sinh mới thực sự phát huy hiệu quả.

Đồng thời, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống xe buýt học đường, tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân, Thành phố cũng nên có chế tài xử lý đối với những phụ huynh học sinh cố tình vi phạm. Quy trách nhiệm đối với các trường học, địa phương chưa làm tròn nhiệm vụ trong việc đề ra các phương án và bố trí lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông khu vực cổng trường.

Về lâu dài, đối với việc phát triển mạng lưới trường học, thành phố không chỉ chú ý đến số lượng trường, lớp, mà còn phải bảo đảm về chất lượng cơ sở hạ tầng, trong đó yếu tố hàng đầu là không gian trong trường để vừa phục vụ cho các sinh hoạt học tập, vui chơi của học sinh, vừa tạo điều kiện cho phụ huynh có địa điểm chờ đón con.

Lê Thắm – Báo LĐTĐ

Theo Lao động thủ đô

Ảnh: Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra trước các cổng trường.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://laodongthudo.vn/un-tac-giao-thong-truoc-cong-truong-dau-dau-tim-giai-phap-96275.html