Tranh cãi cách xử lý đường ống nước sạch, dự án hơn 107 triệu USD chậm tiến độ

Dự án kênh nối hai sông Đáy – Ninh Cơ và cầu kênh nối là một hợp phần quan trọng của dự án giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ với tổng kinh phí 107 triệu USD đang chậm tiến độ. Nguyên nhân liên quan đến dự án nước sạch tại Nghĩa Hưng.

Dự án kênh nối Đáy – Ninh Cơ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đang triển khai tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) là dự án kênh đào lớn nhất đến thời điểm hiện tại. Nó được ví như “kênh đào Suy-ê” ở Việt Nam.

Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ (Dự án WB6) gồm hạng mục kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ với chiều dài khoảng 1km, chiều rộng đáy kênh 90m – 100m, âu tàu với kích thước trong buồng âu rộng 17m, dài 179m và cao độ đáy -7,0m.

Hợp phần tiếp theo là cầu kênh nối Đáy – Ninh Cơ với chiều cao tĩnh không 15m, kết cấu bê tông cốt thép bao gồm 18 nhịp, chiều dài cầu 777,9m, chiều dài đường dẫn gần 1,5km.

Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD.

Sau khi hoàn thành, cụm công trình này cho phép tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường.

Không thống nhất phương án đường ống hoàn trả, dự án chậm tiến độ

Với tổng kinh phí hơn 107 triệu USD, dự án WB6 được kỳ vọng là “cú hích” hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển tổng thể khu vực đồng bằng Bắc Bộ; cải thiện và tạo môi trường vận tải hiệu quả và phục vụ sản xuất, phân phối, giao thương tại khu vực; tạo khả năng tiếp cận các tuyến cung cấp chính tốt hơn và an toàn hơn cho các vùng khó khăn.

Cầu Kênh nối Đáy – Ninh Cơ theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 3/2022

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được hợp long

Kênh nối dài gần 1km sẽ giúp giảm chi phí vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ hoặc xuất khẩu thông qua hệ thống đường thủy nội địa và đường bộ kết nối.

Mục tiêu ngắn hạn, kênh nối Đáy – Ninh Cơ ưu tiên đầu tư kết nối, tạo các tuyến hành lang đường thủy chính, kết nối các cảng sông, các tuyến đường thủy thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhằm nâng cao năng lực thông qua, tính hiệu quả và an toàn cho hệ thống hạ tầng giao thông.

Theo kế hoạch, tháng 3/2022, cầu Kênh nối Đáy – Ninh Cơ sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, dự án đang bị chậm tiến độ. Bộ GTVT vừa xin gia hạn thêm 1 năm để thi công.

Công trường ngổn ngang của dự án GTVT thủy lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, với kinh phí hơn 107 triệu USD.

Giải thích nguyên nhân chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Thưởng (Trưởng phòng QLDA 2 – Ban QLDA đường thủy, Bộ GTVT) cho biết, do diễn biến dịch bệnh Covid-19, tuân thủ quy chế phòng chống dịch, việc triển khai thi công không được tiến hành liên tục.

Ngoài ra, do ảnh hưởng mưa bão, thời tiết… cũng khiến công trường bị gián đoạn.

Một trong những nguyên nhân khiến dự án triệu đô chậm tiến độ, đó là công tác giải phóng mặt bằng liên quan tới gần 400 đường ống nước sạch của công ty Mai Thanh nằm trên dự án.

Ngày 11/5 vừa qua, UBND huyện Nghĩa Hưng phải tiến hành cưỡng chế di dời, đồng thời đấu nối đường ống tạm để đảm bảo việc cung cấp nước sạch liên tục của công ty Mai Thanh trong thời gian thi công cầu kênh nối Đáy – Ninh Cơ.

Đại diện BQL DA đường thủy (Bộ GTVT) lý giải, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân từ GPMB đường ống dẫn nước sạch tại huyện Nghĩa Hưng

Sau khi cầu hoàn thành, Bộ GTVT sẽ hoàn trả lại cho doanh nghiệp đường ống dẫn nước sạch có giá trị khoảng 9 tỷ đồng, đặt ngầm dưới lòng kênh đào nối sông Đáy – Ninh Cơ.

Tuy nhiên, không chấp thuận phương án đặt đường ống chìm, công ty Mai Thanh đã có nhiều đơn thư gửi chính quyền các cấp. Sự việc kéo dài từ năm 2019 đến nay và chưa có hướng giải quyết.

Ông Thưởng xác nhận, đây là một trong các nguyên nhân khiến dự án kênh nối và cầu kênh Đáy – Ninh Cơ chậm tiến độ.

Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng Trần Văn Dương cho biết, cả hai dự án đều có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương: Dự án WB6 là dự án phát triển GTVT thủy có ý nghĩa phát triển kinh tế vùng; dự án nước sạch cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân của huyện ven biển từ lâu vẫn chịu ảnh hưởng bởi ngập mặn, chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo.

Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng vừa bị doanh nghiệp khởi kiện ra tòa liên quan tới 3 QĐ hành chính mà ông ký liên quan đến GPMB 400m đường ống dẫn nước sạch của doanh nghiệp

Trong 3 năm qua, Nam Định cũng tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung, tuy nhiên các phương án đưa ra chưa được doanh nghiệp chấp thuận.

Ngày 16/5, công ty Mai Thanh gửi đơn khởi kiện quyết định hành chính của UBND huyện Nghĩa Hưng.

“Công ty Mai Thanh có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích của họ. Mọi việc sẽ được xem xét theo đúng quy định của pháp luật. Tôi thực hiện theo nhiệm vụ được giao, đặt lợi ích chung lên trên hết” – Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng nói.

Sự việc kéo dài và chưa có phương án tháo gỡ . Hậu quả trước mắt ai cũng nhìn thấy là dự án giao thông thủy kênh nối Đáy – Ninh Cơ và cầu vượt kênh nối đáy đang chậm tiến độ, phải xin gia hạn 1 năm. Nếu không được chấp thuận, dự án sẽ vướng mắc do vi phạm cam kết tiến độ giải ngân của Ngân hàng Thế giới.

Khi các cuộc đối thoại chưa tìm được tiếng nói chung, vụ việc buộc giải quyết bằng con đường tố tụng khi doanh nghiệp Mai Thanh gửi đơn ra TAND tỉnh Nam Định.

Kiên Trung – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Ảnh: Dự án cầu kênh Đáy – Ninh Cơ hoàn thành vào tháng 3/2022 nhưng đã chậm tiến độ, phải xin gia hạn 1 năm

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/tranh-cai-cach-xu-ly-duong-ong-nuoc-sach-du-an-hon-107-trieu-usd-cham-tien-do-2022781.html