Sương mờ ô nhiễm nuốt trọn các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội

Thủ đô Hà Nội những ngày qua liên tục ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức cực kỳ nguy hại, dẫn đầu danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Những lớp sương mờ ô nhiễm nuốt trọn những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội.

Ghi nhận lúc 7h30 sáng 16/12, bầu trời Hà Nội vẫn chìm trong mù mịt. Các nhà cao tầng bị che phủ bởi các lớp sương, bụi.

Theo số liệu từ Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí trong ngày 16-12 tại 10 điểm quan trắc đều đang ở ngưỡng kém. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém).

Đây là mức chỉ số không tốt cho nhóm nhạy cảm. Nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe. Mức chỉ số trung bình này đã tiệm cận mức cảnh báo màu đỏ tức là mức chất lượng không khí xấu, nhóm nhạy cảm cần tránh hẳn việc ra ngoài. Những đối tượng khác hạn chế ở ngoài đường.

Cụ thể, 5 điểm quan trắc chất lượng không khí AQI cao nhất trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP.Hà Nội được ghi nhận đến sáng 16-12: Phố Hàng Đậu (quận Ba Đình), điểm đo Công an phường Hàng Mã: 150. Đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), điểm đo 36A Phạm Văn Đồng: 143. Thành Công (quận Đống Đa), điểm đo Công viên hồ Thành Công: 131. Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), điểm quan trắc UBND Phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội: 130. Chi cục Bảo vệ môi trường: 130.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 16-12, thủ đô Hà Nội nhiều mây, không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió đông đến đông nam cấp 2-3. Sáng sớm và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất : 18-21 độ. Nhiệt độ cao nhất : 25-28 độ.

Tổng hợp kết quả quan trắc cho thấy, buổi sáng (từ 5:00 giờ đến 12:00 giờ) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày. Sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm. Qua theo dõi, đây là giai đoạn có mức độ ô nhiễm cao nhất tính từ thời điểm đầu năm đến nay (4 ngày liên tiếp CLKK ở mức “xấu” và “rất xấu”).

Lý giải về mức độ ô nhiễm như hiện nay, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, bên cạnh hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm diễn ra mạnh vào thời điểm cuối năm thì sự gia tăng của phương tiện giao thông, dân sinh, đốt rác tự phát, công trình xây dựng… là nguồn phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường khá lớn. Và dưới tác động của các điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với nghịch nhiệt làm cho các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao được mà bị tích tụ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao, CLKK suy giảm.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí nặng nề và kéo dài tại Hà Nội, lần đầu tiên, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo để người dân dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Cụ thể, theo hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí do Cục Quản lý Môi trường Y tế phối hợp Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam xây dựng, người dân được khuyến cáo thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí.

Trong tình trạng không khí xấu như hiện nay, người dân hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời; ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Người dân nên thực hiện một số vệ sinh cá nhân như mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Trước đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khuyến cáo người dân, trong đó có học sinh, nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 khi đi ra đường.

Theo dự báo thời tiết, đến ngày 18/12, Hà Nội có thể có mưa. Do đó, trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu.

Bảo Trung – Báo Tổ Quốc

Theo Tổ Quốc

Xem bài viết gốc tại đây:

http://toquoc.vn/suong-mo-o-nhiem-nuot-tron-cac-toa-nha-cao-tang-tai-ha-noi-20191216085324281.htm