Phát lộ 7.000 tấn than dưới móng dự án:’Đười ươi giữ ống’?

Chuyện quản lý khoáng sản ở ta giống như hình ảnh ‘đười ươi giữ ống’, có khi thậm chí không còn giữ nổi ‘ống’ nào.

Theo phản ánh, từ cuối năm 2016, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tân Thành (gọi tắt là công ty Tân Thành) thực hiện hạ cốt nền dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Hà Khánh, TP.Hạ Long, Quảng Ninh đã xác định có 3 điểm lộ than với khối lượng 7.233,12 tấn. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Công ty than Hòn Gai – TKV thu hồi số than phát lộ nhưng Công ty Tân Thành lại liên tục có văn bản, đề nghị được tận thu số than này hoặc nếu không được thu hồi thì yêu cầu Công ty than Hòn Gai phải chịu chi phí hoàn nguyên phục hồi môi trường với số tiền lên tới gần 20 tỷ đồng.

Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Thành Sơn – nguyên Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng – Vinacomin cho rằng, xét theo luật Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tân Thành không có chức năng, nhiệm vụ khai thác than. Đơn vị được quyền khai thác than phải là đơn vị được cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước.

Do đó, trong trường hợp này, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho TKV thu hồi số than trên là phù hợp. Sau khi TKV tận thu song số than trên mới có thể bàn giao mặt bằng sạch cho Tân Thành tiếp tục thi công.

Tuy nhiên, có sự nhùng nhằng giữa hai bên là do liên quan tới vấn đề lợi ích.

“Đây là một trong những ví dụ điển hình vẫn xảy ra lâu nay tại Quảng Ninh. Nhiều doanh nghiệp núp dưới chiêu bài thực hiện các công trình, dự án xã hội hóa để ngầm khai thác than, tận thu khoáng sản để thu lợi chứ không vì muốn xây dựng dự án thực sự.

Với cách thức như vậy, nhiều doanh nghiệp đã được cả tiếng, cả đất lại còn được cả tài nguyên thì ai chả muốn làm?”, TS Nguyễn Thành Sơn nói.

Về yêu cầu TKV phải trả phí hoàn nguyên môi trường 20 tỷ đồng của Công ty Tân Thuận, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng cần phải xem xét lại hồ sơ xây dựng dự án của công ty này.

“Trước hết phải xem xét lại các điểm phát lộ than được phát hiện vào thời điểm nào? Sau khi triển khai làm móng dự án hay trước thời điểm tiến hành thi công?

Trong trường hợp các điểm phát lộ được phát hiện trước khi dự án được triển khai thì Tân Thành có thể đã vi phạm luật quản lý tài nguyên, phải xem xét trách nhiệm của Công ty Tân Thành.

Trường hợp này rất dễ xảy ra bởi trong quá trình khảo sát dự án, chắc chắn nhà đầu tư phải tiến hành khoan thăm dò địa chất móng, như vậy sẽ biết rõ ngay có than hay không? Vì sao có vẫn cố tình triển khai dự án, tạo sự đã rồi?

Trường hợp này, lẽ ra Tân Thành phải báo cáo với Quảng Ninh để Quảng Ninh giao đơn vị có chức năng khai thác than tiến hành thu hồi than hoặc Tân Thành phải thuê TKV vào khai thác, tận thu số than đó rồi mới được thực hiện dự án. Tân Thành đòi TKV phải nộp phí hoàn nguyên là làm ngược.

Ngược lại, nếu Tân Thành không khai thác thăm dò địa chất công trình thì công ty này đã vi phạm luật xây dựng, cũng cần phải xử lý”, ông Sơn cho biết.

‘Đội lốt’ dự án để khai thác than: ĐBQH nói sự thật!

Ở trường hợp khác, nếu Tân Thành phát hiện số than trên sau khi đã thực hiện tiến hành xây dựng thì lại phải xem xét trách nhiệm của TKV và UBND tỉnh Quảng Ninh. Vị trí phát lộ than nằm ngay cạnh khai trường khai thác than của Công ty than Hòn Gai – TKV mà không được phát hiện, thu hồi sớm là sự thiếu sót trong quản lý.

“Đây là câu chuyện điển hình của sự buông lỏng quản lý tài nguyên, than tại khu vực Hòn Gai, Quảng Ninh.

Lâu nay có câu chuyện các “nhà” địa chất trực thuộc các cơ quan quản lý, các cơ quan có chuyên môn đi “đánh quả” lẻ bên ngoài với doanh nghiệp.

Với cách thức này nhiều thông tin về các mỏ than tự nhiên đã được phím cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau đó vin vào thông tin trên mới lập dự án, xin dự án nhưng thực chất là để khai thác khoáng sản, đào than thổ phí đem bán để thu lợi.

Chuyện quản lý khoáng sản ở ta giống như hình ảnh “đười ươi giữ ống”, có khi thậm chí không còn giữ nổi “ống” nào. Việc này cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức để xảy ra sai sót trong trường hợp này”, TS Nguyễn Thành Sơn nói.

Từ những phân tích trên, TS Nguyễn Thành Sơn kết luận, than phải được giao cho TKV tiến hành thu hồi, không thể giao cho một đơn vị không có chức năng khai thác than thực hiện việc này.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của các bên cũng cần phải xem xét công khai, nghiêm khắc.

Lam Nguyễn – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Khu vực phát lộ than đã bị ngập nước, một lượng lớn than đã được tập kết phía trên bị đất đá vùi lấp một phần. Ảnh: Dân Việt

Xem bài viết gốc tại đây:

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/phat-lo-7000-tan-than-duoi-mong-du-anduoi-uoi-giu-ong-3382918/