Nhà máy công nghiệp trong đô thị: Hiểm họa chực chờ, chính quyền địa phương vẫn ‘lơ’

Sự tồn tại các nhà máy công nghiệp giữa Thủ đô đang góp phần gia tăng ô nhiễm, tạo ra nhiều hệ lụy, thậm chí nguy cơ thảm họa môi trường trong đô thị…

Chậm di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm

Công cuộc dựng xây đất nước những ngày đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sau khi thống nhất đất nước đã để lại cho Thủ đô một vành đai công nghiệp bề thế. Những cái tên có thể nêu, như: Khu công nghiệp Thượng Đình; phía Nam là khu công nghiệp Vĩnh Tuy – Thanh Trì – Minh Khai, Văn Điển; phía Tây Bắc có khu công nghiệp Chèm; phía Đông Bắc (bên kia Sông Hồng) có các nhà máy xe lửa Gia Lâm, các nhà máy thuộc khu công nghiệp Yên Viên, Đông Anh… Khi đó, hầu hết các khu công nghiệp đều đặt sát Hà Nội.

Dù những hiểm họa sau cháy Nhà máy Rạng Đông đã được cảnh báo, nhưng nhiều người dân thủ đô vẫn vô tư đi qua mà không trang bị bảo hộ. Ảnh: Ngọc Thanh

Sau một thời gian phát triển, các khu công nghiệp này bắt đầu gây ô nhiễm cho Thủ đô, cần phải di dời. Đặc biệt, nhiều nhà máy công nghiệp trước kia nằm bên rìa Thủ đô, nay đã lọt thỏm giữa trung tâm.

Những bất cập này càng trầm trọng khi Hà Nội phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh. Bởi thế, sau khi Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, vấn đề di dời các các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn 12 quận huyện đã được đặt ra.

Năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Sau 2 năm, tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9.2018, số liệu báo cáo được đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở.

Sự chậm trễ trong công tác di dời này càng khiến nhiều nhà quản lý sốt ruột. Nhiều nơi, cơ sở sản xuất công nghiệp nằm lọt thỏm giữa các khu dân cư đông đúc. Hàng vạn dân bao quanh phải sống trong môi trường ô nhiễm kéo dài. Đó là chưa kể những nguy cơ do cháy nổ, khí thải từ sản xuất công nghiệp…

Theo phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội sẽ có 33 khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC). Thế nhưng, sau những điều chỉnh, đến nay Hà Nội đã có 38 khu/cụm công nghiệp. Sự phát triển nhanh và mạnh này đã góp phần vào gia tăng giá trị tăng trưởng của Thủ đô, song cũng đặt môi trường đô thị của thành phố vào nhiều thử thách với những nguy cơ tiềm ẩn.

Nhìn vào danh mục các KCN trên địa bàn Thủ đô có thể thấy, bốn bề Hà Nội đều phát triển các KCN. Nghĩa là bất cứ hướng gió nào, vào mùa nào – nội thành Thủ đô cũng phải hứng chịu khói bụi công nghiệp, gây ô nhiễm. Chính những khu công nghiệp này là thủ phạm gây lên bao hệ lụy về môi trường sống.

Dân phải sống cận kề thảm họa đến bao giờ?

Mới nhất, vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (28.8) đã và đang để lại nhiều nguy cơ chưa thống kê được. Kết quả công bố của Bộ Tài nguyên và môi trường sau vụ cháy cho thấy, so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR – Mỹ, Canada, trong khoảng từ hàng rào nhà máy đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

Đó mới chỉ là những nguy cơ đến sức khỏe con người trong một sự vụ cụ thể. Bởi, việc vẫn để các nhà máy công nghiệp ngang nhiên tồn tại giữa lòng đô thị chẳng khác nào để người dân sống bên cạnh những quả “bom nổ chậm”, đầy bất trắc bởi thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hiện tại, trong số hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời trên địa bàn Thủ đô, còn một số cái tên lâu năm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, là: Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Cty TNHH Nhà nước MTV Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Dệt Minh Khai, Nhà máy bia Đông Nam Á (nay là Chi nhánh Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam tại Hà Nội), Nhà máy Bia Hà Nội (183 Hoàng Hoa Thám) và Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông (nơi vừa xảy ra vụ cháy gây phát tán thủy ngân).

Nằm lọt thỏm trong ngõ Hòa Bình 7, giữa các khu dân cư thuộc phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là Nhà máy bia Đông Nam Á (nay là Chi nhánh Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam tại Hà Nội). Nhiều năm qua, nơi đây đã thành điểm đen ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đảo lộn cuộc sống của người dân.

Tại đây, người dân thường xuyên phải đóng kín, che chắn nhiều lớp cửa sổ để chắn bụi, chống ồn, ngăn khí thải. Đặc biệt, mùi hôi thối của men ủ tỏa khắp khu vực xung quanh khiến người dân luôn trong trạng thái ngộp thở.

“Đại diện” cho công nghiệp dệt nhuộm cũng còn hai nhà máy “bám trụ” giữa Thủ đô là: Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Cty TNHH Nhà nước MTV Dệt kim Đông Xuân) và Nhà máy Dệt Minh Khai. Cả hai nhà máy này đều được qui hoạch từ hơn 40 năm trước, đến nay đều đã nằm lọt ở trung tâm đô thị.

Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường từng bắt quả tang Nhà máy Bia Đông Nam Á xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra môi trường. ( Nguồn: Tài nguyên và Môi trường)

Ngoài những nguy cơ về cháy nổ, các nhà máy công nghiệp trong đô thị còn gây nhiều hệ lụy trực tiếp khác. Số liệu quan trắc của các cơ quan quản lý về môi trường trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhiều điểm có nồng độ bụi cao gấp 7-10 lần tiêu chuẩn cho phép. Chỉ số ô nhiễm bụi trung bình qua các năm tại những điểm dân cư cạnh các khu công nghiệp mới thành lập đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 – 2 lần.

Không chỉ thế, nguồn thải từ các khu công nghiệp là tác nhân lớn gây ô nhiễm nguồn nước. Các mẫu nước đều có nồng độ ô nhiễm BOD5, COD cao hơn từ 7-10 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Điều đáng nói là rau củ vẫn được trồng trọt trên vùng đất và nước ô nhiễm đó nên nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm các chất độc hại luôn thường trực…

Dệt may là ngành công nghiệp thứ hai trên thế gây ô nhiễm nguồn nước. Để sản xuất 1 chiếc áo cotton, người ta phải sử dụng tới 2,7 m3 nước sạch và 150 gam hóa chất. Trong khi đó, khoảng 15% tổng số vải ngành công nghiệp thời trang bị sử dụng lãng phí; những sản phẩm thời trang không bao giờ được bán hay sử dụng chiếm có đến 500 tỉ USD…

Không chỉ tốn kém tài nguyên, ngành công nghiệp này còn gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng chất hóa học độc hại. Để làm ra các sản phẩm thời trang, nhiều Công ty trên thế giới đã đầu tư vào các nhà máy dệt, nhuộm.

Chỉ tính riêng ở Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã rót gần 5 nghìn tỷ đồng cho dệt sợi, nhuộm và hạ tầng. Bản đồ các nhà máy dệt may gồm dệt nhuộm trải dài khắp nước từ Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế, Tây Nguyên vào các tỉnh miền Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Khi xảy ra cháy nổ, các hóa chất của dệt nhuộm sẽ cực kỳ nguy hại.

Ngọc Thanh – Báo NĐT

Theo Người Đô Thị

Ảnh: Sau hơn một tuần xảy ra sự cố cháy nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, kết quả quan trắc cho thấy ô nhiễm thủy ngân vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR Mỹ từ 10 – 30 lần. Trong ảnh: Vụ cháy tại công ty Rạng Đông, xung quanh là khu dân cư đông đúc, các cao ốc… (Nguồn: Báo Giao thông)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nguoidothi.net.vn/nha-may-cong-nghiep-trong-do-thi-hiem-hoa-chuc-cho-chinh-quyen-dia-phuong-van-lo-20384.html