Ngổn ngang khu đô thị 87 ha

Năm 1993, UBND TPHCM duyệt đồ án quy hoạch chung khu thương nghiệp và nhà ở cao cấp có tên gọi ‘Khu đô thị phát triển An Phú’ tại xã An Phú, huyện Thủ Đức (nay là phường An Phú, TP Thủ Đức). Nhưng tới nay, sau 30 năm triển khai, hạ tầng kỹ thuật tại dự án vẫn chưa xong.

Chậm triển khai

Dự án Khu đô thị phát triển An Phú được UBND TPHCM phê duyệt năm 1993 với diện tích 100ha do Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị liên doanh với Công ty City Horse Trading LTD HongKong làm chủ đầu tư, nhưng dự án sau đó chậm triển khai và không có khả năng thực hiện. Năm 1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố nghiên cứu phương thức đầu tư mới thích hợp để thực thi, sau đó, dự án được điều chỉnh với diện tích hơn 88ha, do Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị TPHCM (nay đổi tên là Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm) làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính và có 13 đơn vị tham gia đầu tư thứ cấp để triển khai.

Năm 2001, Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm (Công ty Thủ Thiêm) và các chủ đầu tư dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị phát triển An Phú ký hợp đồng kinh tế đóng góp kinh phí và Phụ lục hợp đồng kinh tế (ký năm 2004). Theo đó, kinh phí đóng góp thực hiện làm nhiều giai đoạn, căn cứ vào tiến độ hoàn thành thi công của chủ đầu tư, hình thức đóng góp bằng tiền và đóng góp bằng quỹ đất. Tuy nhiên, đến năm 2020, tất cả 13 đơn vị đều chưa đóng góp đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Theo tìm hiểu, dự án hạ tầng kỹ thuật chính trong khu đô thị phát triển An Phú gồm 5 tuyến đường (Bắc Nam 1, Bắc Nam 2, Bắc Nam 3, Đông Tây 1, Đông Tây 2), 3 công viên (Công viên trung tâm, Công viên tại ngã ba Cát Lái, Công viên thuộc vòng xoay Lương Định Của – Mai Chí Thọ) và Khu 1,6ha để xây dựng trường học.

Ngày 2/10, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận thực tế, tuyến đường Bắc Nam 1 (nay là đường Nguyễn Hoàng) là tuyến đường hoàn thiện nhất của dự án, phương tiện có thể di chuyển từ đường Song Hành xa lộ Hà Nội tới đường Lương Định Của, tuy vậy con đường này nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, vào mùa mưa nhiều “ổ voi” gây đọng nước nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ngoài ra, một số tuyến đường khác như Vũ Tông Phan, các tuyến đường thuộc các cụm dự án thành phần đã được hoàn thiện, đấu nối với trục đường chính. Các tuyến đường còn lại như Bắc Nam 2, Bắc Nam 3, Đông Tây 1, Đông Tây 2 đều đang vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay vẫn chưa thể thi công để bàn giao cho thành phố.

Điều đáng nói, theo Quyết định số 819 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/7/2001, sau khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị, Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị (Công ty Thủ Thiêm – PV) bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND TPHCM để UBND thành phố quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức có chức năng đầu tư các dự án thành phần theo quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật.

Nhưng thực tế đến nay dự án hạ tầng chính vẫn chưa thực hiện xong, tuy vậy, có 9 chủ đầu tư dự án thành phần đã được giao đất chính thức, đó là: Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tân Tạo, Công ty đầu tư và Dịch vụ thành phố Invesco, Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức, Công ty TNHH Tiến Phước, Công ty cổ phần bất động sản Nova Lexington, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ, Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Liên doanh Hoàng Kim, Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận.

Tìm hướng ra cho “siêu dự án”

Theo Kết luận thanh tra số 8161 ngày 31/8/2023 về thanh tra việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị phát triển An Phú để giải quyết những tồn tại vướng mắc, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM kiến nghị UBND thành phố giao Công ty Thủ Thiêm, tiếp tục thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị An Phú (4 tuyến đường, 3 công viên); làm việc với chủ đầu tư dự án thành phần để thống nhất kinh phí đóng góp và cam kết thời hạn hoàn thành hoàn tất xây dựng dự án hạ tầng. Phối hợp với UBND TP Thủ Đức hoàn thành công tác bồi thường và chịu trách nhiệm hoàn trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng phần đất 22.012m2 thuộc lộ giới đường Lương Định Của cho UBND TP Thủ Ðức, sau khi UBND TP Thủ Đức thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, kinh phí do các chủ đầu tư dự án thành phần đóng góp.

Giao chủ đầu tư 13 dự án thành phần trong Dự án khu đô thị An Phú cam kết chịu trách nhiệm phối hợp với Công ty Thủ Thiêm để đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thành dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu UBND thành phố giải quyết kiến nghị của Công ty Thủ Thiêm về việc tăng vốn điều lệ của công ty, làm cơ sở để tiếp tục thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật chính.

Sở TNMT đối chiếu quy định pháp luật đất đai hiện hành, nghiên cứu, phân tích, xác định hình thức giao đất, thẩm quyền giải quyết, trình tự, thủ tục thực hiện để tham mưu, đề xuất, trình UBND thành phố phương án giải quyết việc giao đất, cho thuê đất đối với phần diện tích đất thuộc dãy 22m đường Mai Chí Thọ.

Giao Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức kiểm tra, rà soát việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ đầu tư có phần đất Nhà nước nằm trong dự án chưa thực hiện xong việc hoán đổi đất đối với phần đất Nhà nước (Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tân Tạo, Công ty TNHH Tiến Phước), báo cáo và đề xuất UBND thành phố xử lý theo quy định.

UBND TP Thủ Đức tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng phần đất 22.012m2 lộ giới đường Lương Định Của, sau đó quyết toán kinh phí với Công ty Thủ Thiêm và các chủ đầu tư dự án thành phần. Kinh phí bồi thường và pháp lý bồi thường do UBND TP Thủ Đức nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố xem xét chấp thuận.

Nguyên Vũ – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Đường Bắc Nam 2 tại Dự án Khu đô thị phát triển An Phú còn ngổn ngang. Ảnh: Nguyên Vũ.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://daidoanket.vn/ngon-ngang-khu-do-thi-87-ha-5740316.html