Nằm ở khu vực lòng hồ thủy điện bản Ang (huyện Tương Dương, Nghệ An), 6 hộ dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ trận lũ năm 2018 vẫn lo sợ. Huyện xác nhận tình trạng sụt lún nền, tường nứt, nguy hiểm ‘không thể ở được’ của các hộ trên. Song kinh phí di dời là hơn 4,1 tỉ nên… phải chờ.
Dân thấp thỏm chờ di dời
Gia đình ông Lữ Duy Hải (bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An) nằm trong số những hộ bị ảnh hưởng nặng nhất từ trận lũ lịch sử năm 2018. Thời điểm đó, nước từ thượng sông Nậm Mộ đồ về dâng cao, thủy điện Bản Ang xả lũ khiến 2 bên bờ sông bị xói lở nặng nề. Nhiều hộ dân ở khu vực lòng hồ thủy hiện bị ngập lụt, sụt lút.
Nhà ông Hải bị rạn nứt, móng kè đá hộc có biểu hiện dịch chuyển do sụt lún phía ta-luy âm bên trong lòng hồ thủy điện. Cọc rào bằng bê tông cốt thép giăng lưới B40 khoảng 55dm đã sập xuống bên mép nước lòng hồ và một số công trình phụ khác đã bị trôi. Hai năm qua, các vết nứt trên tường nhà có dấu hiệu lan rộng. “Giờ bắt đầu vào mùa mưa lũ, nhà tôi lại nơm nớp lo sợ nhà cửa, tài sản, nhất là tính mạng vợ chồng con cái gặp nguy hiểm”, ông Hải lo lắng.
Tương tự, nhà bà Lô Thị Oanh cũng rơi vào cảnh nứt nẻ, sụt lún. Gia đình bà sống tại bản Ang, cạnh sông Nậm Mộ từ năm 1988. Hơn 30 năm qua, bà nhiều lần chứng kiến cảnh lũ về mỗi mùa mưa bão.
“Nhưng lũ ở miền núi là lên nhanh nhưng xuống cũng nhanh. Có lần nước ngập lên mái nhà nhưng sau đó rút, chúng tôi dọn dẹp, rồi lại sống bình thường. Từ ngày có thủy điện bản Ang thì nhà cửa mới bị nứt khắp nơi”, bà Oanh nói.
Bà cũng cho biết, cơ quan chức năng huyện Tương Dương đã đến làm việc, xác nhận một số hộ không thể tiếp tục sống tại nơi này, trong đó có gia đình bà. Tuy nhiên, chờ mãi vẫn chưa thấy được hỗ trợ di dời, gia đình bà đành phải bỏ nhà, đi thuê trọ nơi khác để đảm bảo an toàn.
Còn nhà ông Nguyễn Văn Hồng nằm trên cốt ngập của lòng hồ Thủy điện Bản Ang. Nhưng giữa nhà ở và lòng hồ khoảng cách quá gần và có nguy cơ sạt lở khi nước sông dâng cao, chảy mạnh. Công trình nhà vệ sinh, nhà bếp và nền nhà chính của gia đình cũng đã xuất hiện một số vết nứt phía ta luy âm của bờ sông.
Theo thống kê, có 6 hộ dân của xã Lưu Kiền chịu ảnh hưởng nặng nề và cần phải di dời đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn. Hai năm qua, các hộ dân trên liên tục có đơn đề nghị chính quyền hỗ trợ kinh phí để di dời nhà cửa, đi tái định cư nơi khác. Tuy nhiên, nguyện vọng của bà con vẫn chưa được đáp ứng. Trong khi đó, mùa mưa lũ mới lại đang về.
Huyện đợi kinh phí, thủy điện than khó khăn
Theo ông Kha Văn Ót – Phó Chủ tịch UBND Huyện Tương Dương (Nghệ An), khi tiếp nhận phản ánh của các hộ dân bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra vào tháng 8/2019. Qua đó, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hộ dân trong phạm vi lòng hồ thủy điện bản Ang.
“Đến tháng 11/2019, đoàn kiểm tra của huyện cùng đại diện chủ đầu tư nhà máy thủy điện Bản Ang là Công ty CP thủy điện Nậm Mô – Nậm Nơn, UBND xã Lưu Kiền, Ban quản lý bản Khe Kiền và các hộ dân bị ảnh hưởng đã kiểm tra, đo đếm chi tiết tất cả các hạng mục như nhà cửa, vật kiến trúc, hoa màu đối với 6 hộ gia đình nêu trên”, ông Kha Văn Ót cho biết.
Tháng 12/2019, UBND huyện Tương Dương có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP Thủy điện Nậm Mô – Nậm Nơn đề nghị giải quyết các kiến nghị của 6 hộ dân trên. Văn bản nêu rõ hiện trạng của 6 hộ gia đình bị ảnh hưởng, cần phải di dời khẩn cấp. Đồng thời, tính toán tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ cho 6 hộ dân là hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường và hỗ trợ trực tiếp là hơn 3,9 tỷ đồng, gồm giá trị bồi thường về nhà cửa, công trình phụ là 2 tỷ đồng; giá trị bồi thường vật kiến trúc là hơn 1,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bồi thường về cây trồng di chuyển nhà ở, hỗ trợ thuê nhà và kinh phí san nền hơn 250 triệu đồng.
Tháng 1/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản truyền đạt ý kiến ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – yêu cầu Công ty CP Thủy điện Nậm Mô – Nậm Nơn phối hợp làm việc với UBND huyện Tương Dương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Qua đó thống nhất phương án, kinh phí để di dời 6 hộ dân bản Khe Kiền ra khỏi vùng bị sạt lở và vùng có nguy cơ sạt lở cao, bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân. Kết quả thực hiện phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/2/2020.
Tuy nhiên, phía Công ty CP Thủy điện Nậm Mô – Nậm Nơn không bố trí được kinh phí để chi trả cho nhân dân và có văn bản phản hồi phủ nhận trách nhiệm liên quan. Theo văn bản của chủ đầu tư, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thủy điện bản Ang đã hoàn thành theo quy định Nhà nước. Nhà máy đã đi vào vận hành từ tháng 1/2017 đến nay.
“6 hộ dân cần phải di dời theo kiến nghị của UBND huyện Tương Dương đều nằm trên cốt ngập hồ chứa thủy điện bản Ang, việc các hộ dân bị nứt nẻ nhà là do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là các hộ này đều nằm ở phần ta-luy âm của Quốc lộ 7 chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt lũ do thiên tai gây ra, nhất là đợt lũ 2018”, văn bản nêu.
Chủ đầu tư nhà máy thủy điện cũng cho rằng, từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu từ phát điện không đủ để trả nợ gốc và lãi vay.
Tuy nhiên, với tinh thần “tương thân tương ái”, phía thủy điện hỗ trợ 6 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, mỗi hộ 100 triệu đồng. Đồng thời, mong nhận được sự cảm thông của UBND huyện Tương Dương.
Ông Kha Văn Ót – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay: “Đến thời điểm nay, chủ đầu tư nhà máy thủy điện bản Ang đã chuyển về cho huyện 600 triệu kinh phí di dời cho 6 hộ dân Khe Kiền. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng bố trí 120 triệu từ nguồn kinh phí sắp xếp dân cư theo Quyết định 1776 của Chính phủ. Số kinh phí còn thiếu trên 3 tỷ đồng. Vì thế, không chỉ người dân, mà huyện cũng phải chờ kinh phí mới thực hiện di dời”.
Ngọc Sơn – Báo GD&TĐ
Theo Giáo dục & Thời đại
Ảnh: Thủy điện bản Ang, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Xem bài viết gốc tại đây: