Hàng trăm tỷ đồng cứu sạt lở sông Hậu: Không cứu nổi…

Cả đại diện Sở GTVT Hà Giang và chuyên gia đều khẳng định có chi hàng trăm tỷ đồng kè bờ sông Hậu cũng không hết tình trạng sạt lở.

Thừa nhận sự thật

Ngày 22/8/2019, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Việt Trí – Giám dốc Sở GTVT An Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa có cuộc họp với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về tình trạng sạt lở sông Hậu nghiêm trọng ở phía QL91.

“Chúng tôi đề xuất Chính phủ chấp thuận phương án chi gần 500 tỷ đồng để làm bờ kè phía QL91 để khắc phục những đoạn đang bị sạt lở, đe dọa tới sự an toàn của người dân. Nhưng chúng tôi chỉ được chấp thuận phương án 160 tỷ đồng để giải quyết những đoạn nghiêm trọng nhất, còn những nơi đang có hiện tượng sạt lở thì cần có phương án khác” – ông Trí cho biết.

Lý giải về phương án kè QL91, Giám đốc Sở GTVT An Giang chia sẻ, đơn vị làm chủ đầu tư sẽ thực hiện kiên cố bằng bê tông kèm theo đá để dòng nước không xoáy thêm vào bờ làm lở đất, sạt đường, nhà của người dân ven QL91.

Mặc dù vậy, chính Giám đốc Sở GTVT cũng phải thừa nhận phương án làm bờ kè QL91 cũng không thể giải duyết dứt điểm tình trạng sạt lở trong tương lai.

“Có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng việc sạt lở QL91 là do tình trạng thiếu hụt cát, phù sa ở lòng sông Hậu nhưng kết quả kiểm tra cho thấy đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú thì cát, phù sa ở lòng sông không bị thiếu.

Đoạn đó là do bên lở, bên bồi. Khu vực bên lở là khu vực làm đường QL91. Muốn giải quyết dứt điểm sạt lở ở khu vực này thì phải thực hiện cải tạo bên bồi. Nhưng việc cải tạo này không khả thi, mất thời gian vì phải xin ý kiến Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng…” – ông Trí nói.

Phải biết chấp nhận đánh đổi

Trong khi đó ThS. Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL khẳng định, việc xây dựng bờ kè sông Hậu mà Sở GTVT An Giang chuẩn bị thực hiện chắc chắn không thể giải quyết dứt điểm tình trạng sạt nở đang diễn ra. “Phương án của Sở GTVT An Giang có thể ổn định trong 5 – 10 năm tới nhưng về sau thì khu vực đó lại tiếp tục bị sạt lở như bình thường. Trước đó, An Giang đã chi 25 tỷ làm bờ kè sông Hậu để chống sạt lở nhưng không thành công” – ông Thiện nhận định.

Ông Thiện nhấn mạnh, nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi dòng chảy khiến bờ bị sạt lở là đáy sông Hậu thiếu cát và phù sa do thủy điện và tình trạng khai thác cát trong nhiều năm qua.

“Điểm sạt lở QL91 ở An Giang là sông phía trên rộng nhưng tại khu vực xảy ra sạt lở lại bị hẹp, cong, tạo ra bên vịnh và bên doi. Khi nước ở thượng nguồn chảy xuống, theo lực quán tính có khuynh hướng đi thẳng nhưng tới đây bị thu hẹp bởi doi cát và buộc chuyển hướng nên tạo ra lực ly tâm làm cho tim sông không đi giữa sông mà đi sát vào bờ, gây xói lở.

Mực nước phía bên vịnh cũng dềnh lên cao hơn ở phía vịnh so với phía doi. Vận tốc chảy phía vịnh lớn hơn phía doi. Do mực nước bên vịnh cao hơn, bị trọng lực kéo xuống thì ngoài dòng chảy tới còn có dòng chảy xoắn. Như vậy phía vịnh là phía luôn luôn chịu áp lực xói lở, phía doi có thể bồi lắng.

Thêm vào đó, dòng nước thiếu bùn cát thì hình thành “nước đói”. Dòng chảy xoắn này nay bị đói nên đào xuống tạo “vực thẳm” bên dưới và ăn vào bờ sông. Sạt lở thường xảy ra vào đầu mùa lũ. Vì lúc này nước bắt đầu mạnh lên nhưng còn thấp, hai loại dòng chảy này ở phía vịnh bào mòn, ăn đứt chân bờ sông. Mực nước thấp nên khối đất ở trên rất nặng không có gì chống đỡ” – Th.S Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Về phương án ứng phó, Th.S Nguyễn Hữu Thiện cho rằng nơi nào nguy cơ sạt lở cao, trước khi sạt lở xảy ra thì nên xem là tình huống khẩn cấp, cần phải phản ứng nhanh để bảo vệ tài sản, tính mạng cho dân. Nhưng khi đã sạt lở rồi thì không còn khẩn cấp nữa, việc khắc phục ở giai đoạn này không nên hấp tấp chỉ đưa ra một phương án rồi trở thành sai lầm. Số tiền 25 tỷ đem cát quăng xuống sông lẽ ra có thể làm được rất nhiều việc.

“Ở đây có thể nghĩ tới một là đem bao cát lấp như đang làm, nhưng phải hiểu rõ cơ chế dòng sông, tính đến rủi ro thất bại của phương án. Nếu thấy rằng không thể bảo vệ thì tính tới phương án rút lui, chấp nhận bỏ khu vực đó tái định cư dân, và làm đường tránh.

Hoặc là lựa chon phương án chỉnh trị nắn dòng đưa tim sông ra giữa hoặc sang bờ kia, chấp nhận mua đất, bồi thường và cho sạt lở đất nông nghiệp bờ kia ít giá trị hơn bờ này”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chia sẽ.

Vì thế, trong tình huống không còn là khẩn cấp nữa thì không nên quá hấp tấp chỉ đưa một phương án rồi trở thành sai lầm. Quá hấp tấp khi chưa suy xét mọi phương án, chỉ nhắm mắt chọn một phương án thì dễ dẫn tới thất bại và hoang phí.

Lưu ý rằng cát này cũng từ nơi nào đó trên sông Cửu Long mà thôi. Lấy cát nơi khác đem lấp nơi này thì tạo ra thiếu hụt cát nơi khác, giật gấu vá vai, dù vai có lành thì gấu cũng rách.

“An Giang phải chấp nhận đánh đổi, việc khai thác cát đem lại hiệu quả có hơn so với việc thay đổi dòng chảy sông Hậu đem lại. Số tiền hàng trăm tỷ đồng chi ra khắc phục nên để dành thực hiện ổn định cuộc sống của người dân nằm trong vùng nguy hiểm. Nếu vẫn cứ dùng số tiền đó để làm kè thì sẽ đem tới suy nghĩ “an toàn ảo” cho người dân. Vì họ cứ nghĩ An Giang làm thế là ổn định rồi, tiếp tục xây nhà, sinh sống ở khu vực đó để rồi thời gian sau… sạt lở vẫn diễn ra” – Th.S Nguyễn Hữu Thiện kết lại.

Vân Nam – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Đoạn qua QL91 An Giang đang bị sạt lở nghiêm trọng bởi sông Hậu đang thay đổi dòng chảy.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hang-tram-ty-dong-cuu-sat-lo-song-hau-khong-cuu-noi-3386264/