Hàng nghìn ha lúa đông xuân tại Thừa Thiên Huế ngập chìm trong nước

Mưa lớn kéo dài trong ba ngày qua kết hợp với triều cường dâng cao đã khiến hơn 16 nghìn ha lúa đông xuân chuẩn bị vào kỳ thu hoạch của nông dân Thừa Thiên Huế tiếp tục bị ngã đổ, ngập chìm trong nước, gây thiệt hại nặng nề.

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế hôm nay, 26-4, cho biết, đợt mưa lớn từ ngày 24 kéo dài đến 26-4 kết hợp với triều cường tiếp tục dâng cao tập trung tại khu vực đồng bằng và nội đồng khiến hơn 16 nghìn ha lúa tại các địa phương bị ngã đổ và ngập từ 0,2 đến 0,3 m. Đợt mưa lần này tập trung tại khu vực đồng bằng và nội đồng nên nhiều diện tích lúa đã chín, chuẩn bị thu hoạch bị ngập chìm trong nước, trong đó nhiều trà lúa đã mọc mầm, ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ mùa năm nay.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hùng cho biết, thiệt hại nặng nhất là Phong Điền với gần 7.000 ha; Hương Thủy với 2.600 ha; Quảng Điền: 3.000 ha, Phú Vang: 3.000 ha…

Chủ tịch UBND xã Phong Hòa (Phong Điền) Đoàn Văn Quốc cho biết, đến nay, tại địa phương có khoảng 85/304 ha lúa bị đổ rạp, ngâm nước. Nếu thuận lợi, người dân tại xã Phong Hòa có thể bắt đầu thu hoạch lúa vào ngày mai , 27-4, tuy nhiên, do trời vẫn đổ mưa nên bà con chưa thể ra đồng gặt lúa được.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình, tính đến thời điểm hiện tại, bà con nông dân trong huyện đã thu hoạch được khoảng 220 ha. Hàng nghìn ha lúa bị đổ ngã và ngâm nước, trong số đó có nhiều trà lúa ở một số vùng thấp trũng bị ngập nước đến 20 đến 30cm. Để cứu lúa bị đổ ngã, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, huyện Phong Điền đang thực hiện song song hai biện pháp là huy động các máy móc hiện có tập trung tháo nước và vận động bà con thu hoạch sớm trước khi lúa bị nảy nầm do ngâm nước dài ngày.

Bà con nông dân cố gắng thu hoạch từng bông lúa đổ ngã, ngập úng.

“Diện tích lúa bị đổ quá nhiều và gặp thời tiết mưa gió nên bà con không thể tiến hành dựng chúng lên thành khóm được. Tháo nước và vận động bà con thu hoạch là hai biện pháp cơ bản mà huyện đang tiến hành. Chúng tôi sẽ tiến hành khẩn trương các biện pháp để cứu lúa đổ rạp và bị ngâm nước, giảm thiệt hại thấp nhất cho bà con nông dân”, ông Bình nói.

Tại huyện Quảng Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Duy Hải cho biết, thống kê đến nay toàn huyện có khoảng 3.000 ha lúa bị đổ ngã và ngập nước; trong đó, có một số diện tích đã được bà con thu hoạch nhưng chưa đáng kể. Theo ông Hải, lúa bị đổ ngã đổ trước tiên sẽ ảnh hưởng đến sản lượng vì đa phần đã chín rất dễ rụng. Thêm nữa, đối với lúa bị ngập trong nước lâu ngày sẽ có mùi chua nên khi thu hoạch về cũng chỉ có thể sử dụng trong chăn nuôi. “Chất lượng của vụ lúa năm nay rất tốt, nhưng đến khi chuẩn bị thu hoạch thì thời tiết lại không ủng hộ. Việc lúa bị đổ rạp và bị ngập chìm trong nước khiến người dân không thể sử dụng máy để gặt mà phải cắt thủ công khiến bà con thêm vất vả. Huyện đang chỉ đạo các địa phương tích cực tháo nước tiêu úng ở các vùng ngập úng và vận động bà con thu hoạch nhanh số diện tích lúa chín là hai biện pháp chủ yếu đang được tiến hành tại Quảng Điền”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Thừa Thiên Huế, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy khoảng 28.600 ha, năng suất ước tính 62,8tạ/ha. Đến thời điểm hiện tại, diện tích thu hoạch chỉ đạt được khoảng 5.000 ha. Đợt mưa trước đó diễn ra từ ngày 12 và 14-4 cũng làm hơn 14 nghìn ha lúa tại các địa phương ngã đổ, ngập úng và hư hại nặng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực tỉnh Hồ Đắc Thọ cho biết, đợt mưa này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, kéo dài thời gian, tăng chi phí thu hoạch và có khả năng làm giảm năng suất của cây lúa. Một số diện tích lúa chín đã thu hoạch nhưng chưa phơi có khả năng bị nảy mầm.

Theo ông Hồ Đắc Thọ, hai đợt mưa lớn vừa qua, theo tính toán ước giảm năng suất lúa hơn 15% trên tổng số diện tích gieo cấy, sản lượng bị mất ước 270 nghìn tấn, tương ứng khoảng 150 tỷ đồng. Kinh phí phục vụ tiêu úng cho diện tích bị ảnh hưởng do mưa lớn khoảng 831 triệu đồng. Để chủ động chống úng cho lúa đông xuân đợt mưa này, các địa phương trên địa bàn tỉnh phối hợp Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chủ động bơm tiêu nước đệm với diện tích khoảng 4.156 ha ở các vùng thấp trũng.

Nhiều địa phương hiện đang tích cực tiến hành tháo nước tiêu úng để cứu lúa đông xuân.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Vang yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá tỷ lệ thiệt hại lúa do ảnh hưởng ngập úng, đổ ngã để có biện pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại về năng suất, chất lượng lúa vụ đông xuân 2019-2020. Sở NN và PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai – Bộ NN và PTNT quan tâm hỗ trợ tỉnh trước mắt 1.000 tấn lúa giống (loại Khang Dân 18, HT1, HN6) phục vụ nhân dân gieo sạ vụ hè thu năm 2020.

Nhằm hạn chế một phần thiệt hại do mưa lớn gây ra cho vụ đông xuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ sau khi đi kiểm tra và thăm hỏi, động viên bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề ngay tại đồng ruộng có lúa đổ ngã, ngập úng, đã có Công văn số 3265/UBND-NN chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương khắc phục thiệt hại.

Theo đó, yêu cầu Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thị xã và TP Huế khẩn trương huy động tối đa nhân lực, vật lực để bơm tiêu úng nội đồng, khoanh vùng để tiêu úng kịp thời cho cây lúa; tập trung nhân lực để thu hoạch kịp thời diện tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Đối với diện tích lúa giai đoạn chín sữa, chín sáp cần vận động người dân chủ động nguyên vật liệu để dựng lúa đứng lên: có thể dùng dây chuối hoặc dây rơm túm ba đến bốn khóm lúa với nhau thành hình chân kiềng để cho cây đứng; có thể dùng dây dài, chắc chắn buộc hai đầu dây hai cọc cắm xuống ruộng để nâng lúa lên theo hàng băng, mỗi băng từ bốn đến năm hàng lúa.

Tăng cường kiểm tra các sinh vật gây hại như bệnh lem lép hạt, khô vằn, rầy nâu,… để chỉ đạo phun trừ kịp thời, hạn chế thiệt hại. Đối với diện tích lúa chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát.

Đồng thời, thống kê, phân loại, thiệt hại đối với từng vùng, từng đối tượng; đánh giá mức độ thiệt hại tương ứng với từng trà lúa để có cơ sở hỗ trợ và rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo. Đánh giá thiệt hại theo các mức 30% đến 70% và hơn 70% (theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh) và dự kiến bị thiệt hại về năng suất, sản lượng… gửi về Sở NN và PTNT qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

Bên cạnh đó, phần lớn lúa bị ngã đổ tập trung chủ yếu vào nhóm lúa Khang Dân 18 nên đề nghị Sở NN và NNPT nghiên cứu, bố trí cơ cấu nhóm giống lúa có khả năng chống đổ ngã như ĐT100 (KH1),… để thay thế giống Khang Dân 18 trong những vụ mùa tiếp theo; chỉ đạo Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp các địa phương có kế hoạch, phương án, tổ chức tốt việc tiêu úng. Chủ động điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất, không để xảy ra tình trạng úng ở vùng trũng.

Bài, ảnh: CÔNG HẬU – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Hàng nghìn ha lúa đông xuân sắp thu hoạch tại Thừa Thiên Huế bị ngập chìm trong nước do mưa lớn tromg ba ngày qua.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44244802-hang-nghin-ha-lua-dong-xuan-tai-thua-thien-hue-ngap-chim-trong-nuoc.html