Hà Nội: Dân ngoại thành ‘ám ảnh’ vì mùi, nhà máy trăm tỷ xử lý rác lại bỏ hoang

Trong khi ở nhiều huyện ngoại thành TP Hà Nội đang bị rác thải ‘bủa vây’, hai nhà máy xử lý rác thải trị giá hàng trăm tỷ đồng lại ‘đắp chiếu’ nhiều năm.

Nghìn tấn rác thải chất đống

Một thời gian dài, bãi rác tự phát nằm trên khu đất quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề xã Hữu Bằng (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân sinh sống quanh khu vực.

Tại đây, cả một khu đất ruộng rộng hàng nghìn mét vuông đã biến thành một bãi rác lớn với đủ loại, từ rác thải sinh hoạt tới công nghiệp. Khu vực tập kết rác tạm thời, lộ thiên, không che chắn đã bị ùn ứ vì quá tải cả năm nay.

Ghi nhận của PV cuối tháng 12/2023, mỗi ngày xã Hữu Bằng phát sinh khoảng hơn 10 tấn rác thải sinh hoạt và nhiều tấn rác thải từ làng nghề. Đến nay điểm tập kết rác này tồn đọng hàng nghìn tấn chưa được đưa đi xử lý. Cách đó không xa, tại điểm tập kết rác ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), hàng tấn rác thải tồn đọng cũng chưa được vận chuyển đi xử lý.

Theo người dân sống tại xã Hữu Bằng, lượng rác tồn đọng ở bãi hiện nay là do công ty thu gom, vận chuyển rác thải trong giai đoạn trước để lại.

Ngày nào đi qua khu vực này, ông Nguyễn Văn Sơn (62 tuổi, xã Hữu Bằng) cũng phải khổ sở chịu đựng mùi rác hôi thối nồng nặc. “Những ngày có gió đông, khói từ việc đốt rác và mùi hôi thối xộc thẳng vào làng, rất khó chịu. Đang thời điểm dịch sốt xuất huyết, bãi rác là nguồn ô nhiễm khiến ruồi muỗi có chỗ sinh sản, người dân càng thêm lo lắng”, ông Sơn cho hay.

Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất cho biết, trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 151 tấn rác thải. Thời gian qua, do bãi rác thải Xuân Sơn đang đóng cửa nên rác thải trên địa bàn huyện phải chuyển qua bãi rác Nam Sơn xa hơn gấp 3 lần. Trong khi đó, bãi rác Nam Sơn cũng là nơi tiếp nhận rác thải của nhiều quận, huyện khác nên các xe chở rác phải chờ mất rất nhiều thời gian.

Trước thực trạng ùn ứ rác thải nói trên, chính quyền huyện Thạch Thất đưa ra giải pháp trước mắt là gom ra điểm tập kết, không để tồn đọng trong khu dân cư. Rác cũ sẽ chuyển đi trước, rác mới chuyển đi sau. Địa phương cũng báo cáo UBND TP Hà Nội để tìm hướng xử lý lượng lớn rác thải tồn đọng trên địa bàn.

Hàng nghìn tấn chưa được đưa đi xử lý.

Dự án xử lý rác bỏ hoang

Trong bối cảnh rác thải ngập ngụa ở nhiều huyện ngoại thành, một số nhà máy xử lý rác trị giá hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng lại đang “đắp chiếu” nhiều năm, gây lãng phí.

Nhà máy Xử lý và Chế biến rác Phương Đình (huyện Đan Phượng) là dự án do Công ty CP Đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 270 tỉ đồng, được xây dựng trên khu đất rộng 4,75ha. Nhà máy có công suất giai đoạn I đạt 200 tấn rác thải/ngày, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng, các khu vực lân cận (Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai) và rác thải công nghiệp không nguy hại của các làng nghề, khu công nghiệp… trên địa bàn thành phố.

Nhà máy xử lý chế biến rác thải Phương Đình, huyện Đan Phượng dừng hoạt động hơn 5 năm.

Nhà máy này đi vào hoạt động chính thức từ tháng 4/2016. Sau 5 lần tạm dừng sửa chữa, nhà máy này đã dừng hoạt động, không tiếp nhận xử lý rác từ năm 2018 đến nay.

Theo ghi nhận, khu vực xây dựng nhà máy giờ vắng người, cỏ mọc um tùm ngay cạnh nơi đặt lò đốt rác. Bên trong, nhiều dây chuyền máy móc phủ bụi, bỏ không…

Cách đó hơn 35km, một nhà máy xử lý rác thải khác ở xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cũng được Công ty Thành Quang đầu tư xây dựng từ năm 2016 với tổng vốn 768 tỉ đồng. Nhà máy dự kiến đến tháng 4/2017 sẽ hoạt động với công suất xử lý 500 tấn rác thải/ngày. Tuy nhiên, đến nay cũng đang “đắp chiếu”, xung quanh cỏ mọc um tùm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất trong 49 năm. Hiện dự án đang phải xin điều chỉnh lại về pháp lý, từ xử lý rác thải công nghiệp thông thường sang rác thải nguy hại.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Khăng – Chủ tịch UBND xã Phương Đình – cho biết, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân trong xã phản ánh với đại biểu HĐND TP Hà Nội mong muốn nhà máy sớm hoạt động trở lại, có hiệu quả. Tuy nhiên, công nghệ phải đảm bảo, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân…

Ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang cho biết: “Dự án đang trong quá trình chuyển giao cho nhà đầu tư mới. Lúc nào xong thủ tục, chúng tôi sẽ thông tin lại sau”.

Minh Ngọc – Báo SK&ĐS

Theo Sức khỏe & Đời sống

Ảnh: Khu vực tập kết rác quá tải tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-dan-ngoai-thanh-am-anh-vi-mui-nha-may-tram-ty-xu-ly-rac-lai-bo-hoang-169231229095746413.htm