Cận cảnh công trường sửa chữa, nâng cấp mặt cầu Thăng Long

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 269 tỷ đồng. Trong lần đại tu thứ ba này, cầu Thăng Long (Hà Nội) được bóc sạch lớp bê-tông, lớp keo dính hiện hữu để phủ lại bề mặt bằng công nghệ mới.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ cuối năm 1974, hoàn thành vào giữa năm 1985. Cầu Thăng Long có hai tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ, trong đó cầu dành cho ô-tô lưu thông ở tầng 2, phần đường ô-tô rộng 16,5m gồm bốn làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2m. Sau lần sửa chữa vào năm 2009, đến nay mặt đường tầng 2 cầu Thăng Long đã bị hư hỏng rất nặng và đang được tiến hành đại tu.

Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long là 269,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.

Lớp bề mặt cũ của cầu dày hơn 100mm sẽ được bỏ dỡ hết.

Ông Nguyễn Hòa, đại diện nhà thầu sửa chữa cầu Thăng Long cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác cào bóc mặt cầu đã hoàn thành khoảng 80% tiến độ đề ra.

Công việc bóc dỡ được thực hiện bằng máy móc hiện đại kết hợp với thủ công để tránh ảnh hướng để bề mặt thép nguyên gốc. Hiện tại, việc bóc dỡ đã gần xong.

Các công nhân tiến hành bóc những lớp bê-tông mà máy xúc không vươn tới.

Công nhân bỏ lớp keo kết dính cũ nguyên thủy của cầu.

Cận cảnh lớp keo dính bám lên bề mặt cầu thép vừa được bóc lên.

Lớp thép lộ ra khi lớp bê-tông được các công nhân bóc đi hết.

Hai trạm trộn bê-tông “khổng lồ” cũng đã được lắp đặt xong và đang tiến hành kiểm định chất lượng, dự kiến ngày 15-9 sẽ đưa vào vận hành.

Nhà thầu tiến hành lắp đặt hai nhà mái che để công nhân có thể làm việc không quản ngại thời tiết.

Hệ thống camera được các công nhân lắp đặt nhằm giám sát toàn bộ các hoạt động trong công trường.

Ông Nguyễn Hòa, đại diện nhà thầu sửa chữa cầu Thăng Long cho biết, đơn vị thi công đang gia cường mặt cầu thép hiện tại, sau đó hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép. Tiếp đó đổ lớp bê-tông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén, chịu kéo cao, độ dày tối thiểu 6cm. Cuối cùng sẽ là thảm lớp bê-tông nhựa polyme phía trên. Đồng thời, dự án thực hiện thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng, sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

Tính đến nay, cầu Thăng Long đã trải qua hai lần đại tu và hàng trăm lần sửa chữa nhỏ.

Việc sửa chữa dự kiến hoàn thành trong quý IV/2020.

Công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long được đánh giá là cấp bách bởi tuyến cầu cạn vành đai 3 Mai Dịch – Nam Thăng Long đang hoàn thiện và dự kiến khánh thành trong năm nay.

HÀ NAM – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/can-canh-cong-truong-sua-chua-nang-cap-mat-cau-thang-long-616114/