Báo động ô nhiễm nguồn nước

Tuy không phải là nội dung chính, song thực trạng ô nhiễm các dòng sông, làm ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt vẫn là một chủ đề nóng được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tại phiên giải trình mới đây do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì tổ chức.

Ô nhiễm nước hạ nguồn

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, nguy cơ ô nhiễm nước mặt hạ nguồn, đặc biệt với các sông chảy qua đô thị, là rất đáng báo động ở một số địa phương. Nguồn ô nhiễm không chỉ do nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra nguồn nước, chất thải từ các khu công nghiệp, mà còn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên xảy ra hiện tượng xâm mặn vào sâu qua các cửa sông, làm ảnh hưởng tới chất lượng nước ngọt của các địa phương ven biển. Đó là chưa kể hiện tượng ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Qua khảo sát thực địa, đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, nhiều tỉnh, thành phố đã tăng cường kiểm soát các hoạt động xả thải vào nguồn nước của các cơ sở; xác lập hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, các vi phạm về xả thải, việc xâm lấn hành lang bảo vệ nguồn nước vẫn diễn ra phổ biến ở một số địa phương, do chưa rõ mốc giới trên thực địa. Ở một số nhà máy cấp nước, việc quan trắc, kiểm soát chất lượng nước thô đầu vào còn chưa có biện pháp bảo đảm an toàn. Hiện, các hoạt động bảo vệ nguồn nước mới tập trung vào thanh tra, kiểm tra các hoạt động gây ô nhiễm; còn việc quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm, chất lượng nước trên các sông thì rất ít số liệu.

Nguyên nhân được chỉ ra là do sự phát triển nóng về dân số, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến môi trường nước trong các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt tại các vùng hạ du lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai… Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn, các khu tập trung dân cư rất nghiêm trọng.

Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực sông, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia mới nhất (năm 2018), tỷ lệ nước thải sinh hoạt ở các đô thị loại 4 trở lên được thu gom, xử lý mới chỉ đạt khoảng 12,5%, với 45 nhà máy, trạm xử lý nước thải, tập trung đặt tại 29 tỉnh, thành phố (riêng tại Hà Nội có 20,62% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý, còn tại TPHCM khoảng 13%). Trong số 251 khu công nghiệp đang hoạt động, có 221 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh và đang vận hành, chiếm 88%. Thế nhưng, trong số 689 cụm công nghiệp đang hoạt động, chỉ có 109 cụm công nghiệp có công trình xử lý nước thải đã hoạt động, chỉ chiếm 15,8%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt khoảng 86% tại đô thị, khoảng 40%-55% tại khu vực nông thôn; một phần rất lớn bị xả vào nguồn nước.

Thêm vào đó, lượng phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất sử dụng trong canh tác nông nghiệp quay lại chảy vào nguồn nước cũng được đánh giá là “gây ô nhiễm nghiêm trọng”. Đáng lưu ý, số liệu đo đạc, giám sát tại các vị trí biên giới còn ghi nhận nguồn nước bị ô nhiễm đã và đang chảy vào lãnh thổ nước ta.

Quy định cấp phép xả nước thải còn chồng chéo

Quy định của pháp luật về cấp phép xả nước thải hiện nay còn chồng chéo, chưa rõ trách nhiệm. Bên cạnh Bộ TN-MT, việc cấp phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi lại do Bộ NN-PTNT thực hiện theo pháp luật về thủy lợi, cơ chế phối hợp và trách nhiệm quản lý các lưu vực sông… Thừa nhận bất cập này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần chỉ rõ “địa chỉ” xả thải để buộc các địa phương, các chủ nguồn thải có trách nhiệm xử lý triệt để ô nhiễm. “Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường mà bộ đã trình Quốc hội có đưa ra quy chuẩn cho các khu vực xả thải và yêu cầu các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có lộ trình chuyển đổi công nghệ xanh hơn, thân thiện hơn với môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng”, người đứng đầu ngành TN-MT thông tin.

Liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm xuyên biên giới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Tài nguyên nước đã quy định riêng một chương về quan hệ quốc tế về tài nguyên nước. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định về hợp tác chia sẻ nguồn nước và 2 cơ chế hợp tác. Mặc dù vậy, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hợp tác trong chia sẻ nguồn nước cũng như kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới tiếp tục là vấn đề thách thức, cần đến những đối sách chính trị – ngoại giao khôn khéo.

ANH THƯ – Báo SGGP

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Ảnh: Lực lượng chức năng ở TPHCM kiểm tra chất lượng nước lấy từ sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.sggp.org.vn/bao-dong-o-nhiem-nguon-nuoc-682576.html