Ba Vì xin giữ 75 biệt thự sai phạm: Vô lý!

Chưa có quy định nào cho cho phép giữ lại các công trình vi phạm trật tự xây dựng nếu như trong 60 ngày không trình được giấy phép xây dựng.

Đừng để nhờn luật

Ngày 28/8/2019, khi nói về việc UBND huyện Ba Vì – TP. Hà Nội đang xin ý kiến sở, ngành về việc giữ lại 75 biệt thự không có giấy phép xây dựng, nhiều luật sư cho rằng đây là điều hết sức vô lý bởi quy định của pháp luật, không có một điều khoản nào cho phép điều đó.

Luật sư Phạm Văn Hướng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Các công trình không có giấy phép xây dựng, nếu trong vòng 60 ngày kể từ ngày cơ quan chức năng kiểm tra, ra văn bản mà chủ đầu tư không trình được giấy tờ này thì đều phải phá bỏ theo quy định. Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì cơ quan quản lý phải tiến hành cưỡng chế”.

Tuy nhiên, ông Hướng cho rằng, hiện nay nhiều công trình xây dựng nhưng sau đó vẫn được cho tồn tại bằng cách cơ quan quản lý không thực hiện nghiêm, nới lỏng thời gian 60 ngày để chủ đầu tư có cơ hội “chạy” giấy phép xây dựng, nộp phạt bằng tiền rồi hợp thức hóa công trình vi phạm.

Theo ông, 75 biệt thự tại Ba Vì cũng nằm trong số đó, khi mà suốt 3 năm qua kể từ ngày phát hiện ra sai phạm, cơ quan quản lý không có động thái nghiêm minh, chậm trễ trong vấn đề đưa ra phương án xử lý. Cho đến nay, họ lại xin giữ lại 75 công trình này là điều khó có thể chấp nhận được.

Cũng bàn về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Thành – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, có sự khác nhau trong thông tin cung cấp của cơ quan quản lý, điều đó tạo cho dư luận sự nghi ngờ có điều khuất tất đằng sau những dự án này. Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Kết luận của Thanh tra Chính phủ là kết luận cuối cùng, cần phải căn cứ vào đó để xử lý.

Cụ thể, theo ý kiến của đại diện UBND huyện Ba Vì, 75 biệt thự này không xây dựng trên phần đất nông nghiệp, đất rừng. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2016, một lãnh đạo UBND xã Yên Bài lại cung cấp thông tin với báo chí, trong số những biệt thự xây dựng trái phép ở thôn Điền Viên thì có một phần được xây dựng trên đất nông nghiệp.

Chính vì thế, theo ông Thành, Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc đề nghị địa phương làm đúng theo kết luận mà đơn vị đã đưa ra.

“Nếu chỉ phạt rồi cho tồn tại, sẽ để lại nhiều hệ quả. Mà như chúng ta đã thấy việc Ba Vì xin giữ lại 75 biệt thự xây dựng cũng được coi là hệ quả của việc “phạt cho tồn tại” trong vi phạm trật tự xây dựng mà trong những năm qua cơ quan quản lý đã thực hiện” – ông Thành bày tỏ.

Lúng túng như xử sai phạm Sóc Sơn?

Nhìn nhận từ góc độ khác, ông Thành dẫn trường hợp sai phạm ở Sóc Sơn và cho rằng, hai địa phương này đều có sự tương đồng trong việc kéo dài thời gian xử lý.

“Sóc Sơn đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ từ gần chục năm trước nhưng cho đến nay vẫn không xử lý triệt để, trong quãng thời gian này nhiều sai phạm khác tiếp tục diễn ra.

Ở Ba Vì cũng đang trong tình trạng như vậy. Tôi cho rằng nếu như không xử nghiêm thì vấn đề ở Sóc Sơn sẽ tiếp tục tiếp diễn ở Ba Vì, và càng khó xử lý trong tương lai” – ông Thành nói.

Bên cạnh việc xử lý công trình sai phạm, ông Thành cho rằng cũng cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ, đơn vị quản lý trên địa bàn. Tại sao lại để cho những sai phạm đó xảy ra?

“Không chỉ một căn biệt thì mà gần 100 căn. Không phải là nhà dân mọc lên mà hẳn cả 1 dự án xây xong bán cho người khác thu lợi? Đây rõ ràng là sai phạm có hệ thống, cố tình chứ không mang tính chất tự phát của những người thiếu hiểu biết pháp luật nữa” – Luật sư Nguyễn Văn Thành thẳng thắn.

Vân Nam – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Những căn biệt thự không có giấy phép xây dựng ở Ba Vì được xây dựng quy mô, bán với giá hàng tỷ đồng/căn.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ba-vi-xin-giu-75-biet-thu-sai-pham-vo-ly-3386569/