3km đường ở vùng thủ đô làm hơn 10 năm vẫn không xong?

Thị xã Sơn Tây thiếu nhất quán trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên đoạn đường được nâng cấp bị vướng mắc, kéo dài hơn 10 năm không xong…

 

Người dân trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Phi thực tế

Dự án đầu tư xây dựng công trình Cải tạo nâng cấp tuyến phố Thanh Vỵ – thị xã Sơn Tây đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt bằng quyết định số 5253/QĐ-UBND.

Ngày 18/07/2012, UBND Thị xã Sơn Tây đã ra Quyết định số 597 phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng (đợt 5) đối với 39 đơn vị, tổ chức, hộ gia đình thuộc xã Thanh Mỹ. Phương án này được người dân trên tuyến đường này hoàn toàn đồng thuận và nhất trí cao.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, khi thực hiện công tác kiểm đếm, đền bù được triển khai được một phần, ngày 17/10/2012, UBND thị xã Sơn Tây bất ngời ra Quyết định số 981 để thay thế cho Quyết định số 597 điều chỉnh phương án đền bù khiến kinh phí giảm từ hơn 33 tỷ đồng xuống còn hơn 25 tỷ đồng. Quá trình triển khai quyết định này đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực, thiếu công bằng giữa các hộ dân sinh sống trên cùng một tuyến đường cũng như sự thiếu nhất quán trong công tác xác định nguồn gốc đất.

Cùng với đó, phương án bồi thường căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ những năm 2003, trong khi nhiều gia đình chưa được cấp lại sổ cũng như đang có khiếu nại về quá trình cấp sổ.

Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến dự án hơn 10 năm nay vẫn không thể hoàn thiện, gây khiếu kiện kéo dài và bức xúc trong dư luận.

Theo ghi nhận tại hiện trường, tuyến đường Thanh Vỵ đã được hoàn thành một phần. Tuy nhiên do còn nhiều hộ vẫn chưa được đền bù giải phóng mặt bằng một cách thỏa đáng nên hình dáng tuyến đường đã được tạo hình thành chỗ lồi, chỗ lõm như hình “răng cưa”.

Tuyến đường Thanh Vỵ, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây nhiều đoạn thòi thụt, tạo hình “răng cưa” do sự thiếu công bằng minh bạch trong đền bù giải phóng mặt bằng khiến người dân phản đối kịch liệt.

Bất công

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Thân cho biết, về vấn đề sổ đỏ gia đình ông có diện tích đất là 507m2, ông cho anh vợ hơn 100m2 đất. Trong khi đất nhà ông Thân không được làm sổ đỏ thì đất của gia đình anh vợ ông lại được làm sổ đỏ. Về vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, đất của gia đình ông Thân đã sử dụng ổn định từ năm 1980 trở lại đây, “đất của nhà tôi các ông ấy thu 82m2 đất mà chỉ bồi thường có có 41m2 đất xong lại bảo là bồi thường theo bản đồ 2003 cho nên chúng tôi thấy không hợp lý nên tôi không nhận, tôi mong mỏi các cơ quan pháp luật vào cuộc để bồi thường cho chúng tôi một cách thỏa đáng, các ông thu của chúng tôi bao nhiêu thì bồi thường cho chúng tôi bấy nhiêu”, ông Thân chia sẻ.

Sự bất công được thể hiện rõ nhất tại trường hợp của hộ ông Nguyễn Văn Tuấn. Thửa đất của ông Tuấn được chuyển nhượng từ năm 1994 với nguồn gốc là do xã Thanh Mỹ cấp năm 1989. Đây là thửa đất được tách ra từ năm 1992 từ người chủ cũ là ông Nguyễn Tiến Quy cho hộ ông Tuấn và hộ ông Ngô Hữu Long. Năm 2007, ông Tuấn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị quy hoạch làm hành lang giao thông nhưng vẫn sử dụng ổn định cho đến thời điểm hiện tại.

Căn nhà của ông Tuấn được xây từ năm 1977, dù cùng một dãy nhưng nhà hàng xóm được đền bù đầy đủ nên đã tiến hành giải tỏa nhưng gia đình ông thì không được đền bù thỏa đáng.

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, cũng cùng có nguồn gốc từ mảnh đất ban đầu này, năm 2010 hộ sát vách nhà ông Tuấn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể hiện hành lang giao thông nên đã được đền bù 100% còn hộ ông Tuấn thì không.

Vì sao lại có sự bất công như vậy, khi cùng một mảnh đất chia đôi, thửa được làm sổ đỏ, được đền bù, thửa thì không? Gia đình ông Tuấn cũng đã nhiều lần khiếu nại với thị xã Sơn Tây, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là: “án tại hồ sơ”, căn cứ vào bản đồ 2003, mà bản đồ 2003 các anh đo ở trên máy, các anh có về tận nơi các anh đo đâu, nhà tôi bố mẹ xây từ năm 1977 có giấy chứng nhận của xã đàng hoàng, vẫn còn hiện trạng y nguyên, vậy mà thu hồi của tôi 72m2 mà chỉ trả cho tôi có 54m2 còn lại thì bảo là không nằm trong chỉ giới là như thế nào?”, ông Tuấn chia sẻ.

Nguyên Chủ tịch thị xã Sơn Tây cũng thấy sai

Ngày 21/7/2014, ông Đặng Vũ Nhật Thăng – nguyên Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây (giai đoạn 2012 – 2019) đã ban hành văn bản số 801 quyết định về việc giải quyết khiếu nại của ông Đặng Quốc Dân là một trong số những gia đình nằm trong diện giải phóng mặt bằng của dự án.

Điều đáng nói, trong văn bản này, ông Đặng Vũ Nhật Thăng đã khẳng định, UBND thị xã Sơn Tây ban hành phương án điều chỉnh kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất số 26 (được ban hành kèm theo Quyết định số 981 ngày 17/10/2012 phê duyệt phương án điều chỉnh kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 39 hộ gia đình, cá nhân (đợt 5) thuộc xã Thanh Mỹ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến phố Thanh Vỵ, thị xã Sơn Tây) là không đúng quy định pháp luật tại thời điểm thu hồi đất.

Văn bản này xác định nội dung khiếu nại của ông Đặng Quốc Dân về phần xác định diện tích đất gia đình ông Dân bị thu hồi nằm trong chỉ giới hành lang giao thông được xác định là 142m2, yêu cầu diện tích đất bị thu hồi của gia đình trong chỉ giới hành lang giao thông là 169,9m2 và đền bù diện tích bị thu hồi là 169,9m2 là đúng toàn bộ.

Do đó, bằng văn bản này UBND thị xã Sơn Tây đã hủy phương án số 26 ban hành kèm theo Quyết định số 981 ngày 17/10/2012 của UBND thị xã Sơn Tây; Giữ nguyên phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất số 26 (được ban hành kèm theo Quyết định 597 ngày 18/7/2012.

Được biết, cả Quyết định 981 và quyết định giải quyết khiếu nại của ông Dân đều do ông Đặng Vũ Nhật Thăng ban hành và hiện duy nhất hộ ông Dân được giải quyết đền bù theo đúng Quyết định 597, còn các hộ khác thì không?

Nông Huy – Báo Nông nghiệp

Theo Nông nghiệp

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nongnghiep.vn/3km-duong-o-vung-thu-do-lam-hon-10-nam-van-khong-xong-d309044.html