Yên Bái: Doanh nghiệp mắc sai phạm hàng loạt vẫn được xem xét ‘tạo điều kiện’ tiếp tục khai thác mỏ đá Đại Phác

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo Pháp luật Việt Nam về hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Đại Phác của Công ty CP Sản xuất và Xây dựng huyện Văn Yên vi phạm nhiều quy định của pháp luật, gây ra nỗi ám ảnh cho người dân địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các Sở, ban ngành kiểm tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Sai phạm hàng loạt

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái theo Quyết định số 2432/UBND-TNMT ngày 6/9/2019 về việc kiểm tra, làm rõ thông tin, lập hồ sơ xử lý vi phạm của Công ty CP Sản xuất và Xây dựng huyện Văn Yên (viết tắt: công ty Văn Yên) theo phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam. Ngày 12/9/2019, Sở TNMT và Sở Xây dựng, Sở Công thương và UBND huyện Văn Yên đã phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác đá tại mỏ Đại Phác. Kết quả cho thấy, các thông tin phản ánh của báo Pháp luật Việt Nam là chính xác, đẩy đủ.

Thứ nhất, về khoảng cách của mỏ đá Đại Phác với khu dân cư quá gần, không đảm bảo an toàn khi sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của Bộ Công thương. Kết quả kiểm tra cho thấy, mỏ đá này chỉ cách khu dân cư chưa đến 100m, trong đó, có hộ gia đình ông Hoàng Văn Tiên chỉ cách có 23m. Số hộ nằm trong phạm vi ảnh hưởng thiệt hại khi tiến hành hoạt động khai thác đá lên đến 15 hộ.

Về việc nổ mìn gây ảnh hưởng đến khu dân, đoàn kiểm tra liên ngành cũng xác nhận đã từng xảy ra hiện tượng đá bắn vào nhà người dân sinh sống xung quanh, gây thiệt hại về vật chất và nguy hiểm cho người dân. Tình trạng này chỉ chấm dứt kể từ khi UBND tỉnh có văn bản yêu cầu công ty Văn Yên đề nghị tạm dừng hoạt động khai thác đá để hoàn thiện thủ tục về đất đai.

Đối với việc vận chuyển đá đã tàn phá đường giao thông liên xã, đoàn kiểm tra cho biết, tuyến đường chính được công ty Văn Yên sử dụng để vận chuyển đá thành phẩm là tuyến đường Đại Phác – An Thịnh. Hiện trạng tuyến đường này đã xuống cấp và xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi có đường kính từ 5-10cm, chiều sâu từ 2-5cm.

Kết quả kiểm tra hoạt động của mỏ đá Đại Phác phát hiện nhiều sai phạm đúng như báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trước đó

Đặc biệt, về việc công ty Văn Yên đang khai thác đá theo dạng “hàm ếch” gây nguy cơ sụt lún, tai nạn cho hàng chục lao động. Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, tại thời điểm kiểm tra cho thấy các moong khai thác có dấu hiệu khai thác đứng, có chiều cao lớn, không cắt tầng theo thiết kế đã được lập. Đáy moong của mỏ đá khai thác có độ sâu lớn, thấp hơn mức sâu thấp nhất được phép khai thác từ 2m – 5m.

Như vậy, công ty Văn Yên đã khai thác không đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ đã được lập; khai thác vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác. Điều này, trái ngược hoàn toàn với giấy phép và các cam kết trước đó của doanh nghiệp khi trình thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ đá Đại Phác.

Đối với việc công ty Văn Yên vẫn khai thác, sản xuất đá trong quá trình bị đình chỉ hoạt động. Phía Đoàn kiểm tra cho rằng, công ty Văn Yên cho biết chỉ thực hiện chế biến khoáng sản tồn kho do quá trình khai thác trước đây (2017) để lại. Tuy nhiên, có một điều đáng ngờ là, lượng vật liệu nổ công nghiệp còn tồn kho của công ty đã được sử dụng sau thời điểm bị đình chỉ hoạt động. Theo đoàn kiểm tra, thì số vật liệu nổ được sử dụng vào ngày 4/9/2019 để thực hiện bóc tầng phủ trên bề mặt, phục vụ việc san lấp đáy moong đã khai thác?

Mỏ đá Đại Phác hiện đang được khai thác theo dạng “hàm ếch” gây ra nhiều rủi ro, an toàn cho người lao động.

Theo Khoản 7, Điều 2, Luật Khoáng sản thì hoạt động khai thác khoáng sản là nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan. Đối chiếu với việc công ty Văn Yên chế biến đá tồn kho và dùng mìn để bóc các khối lượng đất phủ trên mỏ trong thời gian bị dừng hoạt động là không thực hiện theo đúng chỉ đạo trước đó của UBND tỉnh, bất chấp các quy định của pháp luật.

Vẫn được tạo điều kiện hoạt động

Với hàng loạt các sai phạm của công ty Văn Yên như đã nêu trên đã quá rõ ràng, thể hiện việc coi thường pháp luật, tận dụng khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản gây ra những hệ lụy về môi trường, giao thông và sự an toàn của người dân, tuy nhiên, kết luận và phương án xử lý của đoàn kiểm tra rất chung chung, không khác nào “giơ cao đánh khẽ”.

Con đường vào xã Đại Phác “nát như tương bần” vì hoạt động khai thác, vận chuyển đá tại mỏ Đại Phác

Theo đó, kết luận của đoàn kiểm tra cho rằng quá trình khai thác mỏ, có những thời điểm công ty Văn Yên đã thực hiện sai thiết kế mỏ, vượt quá độ sâu được phép khai thác ở một số vị trí. Các vị trí khai thác sai thiết kế, vượt quá độ sâu khai thác cho phép được thực hiện trong những năm 2015, 2016 và 2017.

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, đối chiếu với quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Luật xử lý vi phạm hành chính thì các hành vi nêu trên của công ty Văn Yên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, điều đang lưu ý là, trong phần đề xuất, kiến nghị của bản báo cáo kết quả kiểm tra, Sở TNMT Yên Bái đề nghị UBND tỉnh cho Sở lập hồ sơ áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với công ty Văn Yên. Đồng thời, đề nghị các sở ngành liên quan khác tạo điều kiện cho doanh nghiệp sửa chữa lại mỏ, thực hiện khai thác trở lại theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt trước đó.

Tuy nhiên, thực tế, mỏ đã bị khai thác sai thiết kế, lấn sâu vào lòng núi, khai thác sai vị trí. Vậy, làm sao công ty Văn Yên có thể khai thác lại theo thiết kế cũ? Điều này, phải chăng các sở ngành của tỉnh Yên Bái đang bỏ qua những sai phạm nghiêm trọng, “tạo điều kiện” cho công ty Văn Yên hoạt động trở lại?

Giấy phép khai thác số: 545/GP-UBND ngày 20/4/2011 của UBND tỉnh Yên Bái cấp cho công ty Văn Yên khai thác mỏ đá Đại Phác có nội dung rõ ràng nếu sai phạm sẽ thu hồi giấy phép khai thác mỏ

Trong khi đó, tại Điều 3, Giấy phép khai thác số: 545/GP-UBND ngày 20/4/2011 của UBND tỉnh Yên Bái cấp cho công ty Văn Yên khai thác mỏ đá Đại Phác có nội dung rõ ràng là: Trong trường hợp Công ty CP khai thác sản xuất và xây dựng huyện Văn Yên vi phạm các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật liên quan hoặc không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định tại Giấy phép này, sẽ bị thu hồi quyền khai thác khoáng sản….

Vậy, phải chăng đang có sự “bao che”, tạo điều kiện cho công ty Văn Yên tiếp tục hoạt động, khai thác, dù đã chà đạp lên các quy định của pháp luật?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc này

Hùng Vương – Báo PLVN

Theo Pháp Luật Việt Nam

Ảnh: Từ khi Công ty CP Sản xuất và Xây dựng huyện Văn Yên bắt đầu khai thác mỏ đá Đại Phác đã gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông xuống cấp và mất an toàn.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/yen-bai-doanh-nghiep-mac-sai-pham-hang-loat-van-duoc-xem-xet-tao-dieu-kien-tiep-tuc-khai-thac-mo-da-dai-phac-6178/