Xử lý rác thải nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường nông thôn đang là vấn đề ‘nóng’ được các địa phương tập trung xử lý trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó đặt ra mục tiêu và những giải pháp chung cho vấn đề xử lý rác thải hiệu quả ở Việt Nam.

Thách thức trong khâu xử lý

Việt Nam có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm tới hơn 73% dân số cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ TN&MT, tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40%; Tỉ lệ tái chế khoảng 3,24%; Còn lại phần lớn chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp vào môi trường.

Một thống kê khác cũng cho thấy, khoảng 50% các xã trong toàn quốc đã thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt, song tỉ lệ thu gom chưa đáp ứng được nhu cầu nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ và điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm.

Nhiều năm qua, rác thải sinh hoạt nông thôn đang càng ngày càng trầm trọng gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Bài toán rác thải nông thôn đã được đặt ra từ lâu, song đến nay hiệu quả đạt được vẫn rất hạn chế. Tình trạng rác thải sinh hoạt nông thôn ùn ứ tại các điểm tập kết, tại các ao hồ, kênh mương và trong các khu dân cư đang ngày càng trở nên bức xúc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Thông tin Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT cho biết: “Gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội thì vấn đề rác thải nông thôn trở thành một vấn đề hết sức quan trọng, cần được xử lý, không kém gì vấn đề xử lý rác thải ở những đô thị lớn”. Theo đó, việc xử lý rác thải ở và nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường.

Cùng với các công nghệ hiện đại, tân tiến, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt đô thị tại Việt Nam đã là một bài toán khó. Thêm vào đó, ở nông thôn với công tác tuyên truyền cũng như độ thích ứng của người dân còn hạn chế, nên càng nhiều thử thách hơn.

Thực trạng cho thấy, vẫn đang chỉ dừng ở việc chôn lấp rác thải. Hoặc trong tiêu chuẩn đạt xã nông thôn mới thì tiêu chuẩn môi trường ở một số xã còn đang được cho nợ. Trường hợp khác, trong quy định về môi trường ở các xã được tạm thời cắt giảm. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu thì chúng ta bắt buộc phải đạt, nên vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm hơn. Nếu đạt đủ các tiêu chí này thì đời sống người dân, an sinh xã hội sẽ tốt hơn nhiều.

Cấp thiết phải quy hoạch tổng thể

Phân loại rác đầu nguồn là việc khó khăn, nhưng khó khăn vẫn phải làm bởi không có cách nào khác. Muốn giải quyết triệt để và tối ưu vấn đề rác thải sinh hoạt, bắt buộc chúng ta phải phân loại tại nguồn. Việc này không phải sáng kiến riêng của Việt Nam mà rất nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng.

Áp dụng công nghệ, tối ưu hóa công nghệ, để vừa làm sạch môi trường vừa tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu tạo ra. (Ảnh minh họa)

Trước thực trạng trên, để môi trường nông thôn được xanh, sạch, bảo đảm an toàn sức khỏe, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc nâng cao ý thức. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý cho việc xử lý rác thải, đồng thời phải có sự đầu tư tối ưu công nghệ cho tái chế.

Dưới góc độ doanh nghiệp chuyên về công nghệ xử lý chất thải, ông Nguyễn Đình Trọng – Tổng Giám đốc Tập đoàn T-tech chia sẻ: “Trước đây, chúng ta vẫn coi rác là thảm họa, nhưng giờ phải nhìn nhận rác là nguồn tài nguyên. Và để tận dụng nguồn tài nguyên này thì việc thu gom phân loại tại đầu nguồn cần thực hiện tốt, từ đó mới có thể xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, phải đi sâu vào công nghệ, tối ưu hóa công nghệ, để vừa làm sạch môi trường vừa tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu tạo ra”.

Để bảo vệ môi trường nông thôn, định vị nền kinh tế tuần hoàn, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, yêu cầu đến năm 2025, phải thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn; Tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.

Ngoài ra, 95% bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; Phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỉ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Môi trường Nguyễn Thượng Hiền : Vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện nay đang gặp nhiều bất cập, việc quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Việc đầu tư công tác quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, xã hội, tự nhiên từng địa phương, từng vùng miền.

Mặt khác, các địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn vận hành lò đốt, chưa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đồng thời không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung.

Lan Anh (T/h) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Việc xử lý rác thải ở nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường. (Ảnh: T.N)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/xu-ly-rac-thai-nong-thon-la-nhiem-vu-trong-tam-trong-cong-tac-bao-ve-moi-truong-61483.html