Xử lý hành vi việc khoan giếng trái phép

Để bảo vệ nguồn nước ngầm và hạn chế trình trạng khai thác mạch nước ngầm vô tội vạ, Luật Tài nguyên nước năm 2012 nghiêm cấm hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm và hạn chế trình trạng khai thác mạch nước ngầm vô tội vạ, Luật Tài nguyên nước năm 2012 nghiêm cấm hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

Việc khoan giếng để phục vụ cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất ở những vùng nông thôn và khu dân cư khi chưa có hệ thống nước sạch sinh hoạt, hồ đập phục vụ cho tưới tiêu là khá phổ biến. Tuy nhiên, việc khoan giếng nhằm mục đích gì cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn nước ngầm, sử dụng nguồn nước ngầm tiết kiệm, hợp lý, chính đáng.

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 44 ,Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Điểm a, b, Khoản 2, Điều 16 ,Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27-11-2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thì  khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên thì người dân phải xin cấp phép. Trường hợp khai thác nước không phải xin phép, không phải đăng ký: khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm (với điều kiện ở các vùng mà mực nước không bị suy giảm).

Tại Điều 4 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT ngày 30-5-2014 của Bộ TN-MT về việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước quy định, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất bao gồm: khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm 3 năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép. Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra. Khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu. Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng…

Để xử lý hành vi khoan giếng trái phép, Nghị định 36/2020/NĐ-CP (Nghị định 36) ngày 24-3-2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản như sau:  phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-500 ngàn đồng đối với hành vi thăm dò, khai thác nước dưới đất thuộc các trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định.

Ngoài ra, Nghị định 36 còn quy định phạt tiền đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép. Cụ thể như sau: phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 1 giếng khoan; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 2 giếng khoan; phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm từ 5 giếng khoan trở lên…

Nghị định 36 cũng quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép như: khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 30m3/ngày đêm đến dưới 50m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng trên 0,1m3/giây đến dưới 0,2 m3/giây; khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp với lưu lượng trên 100m3/ngày đêm đến dưới 1 ngàn m3/ngày đêm.

Nghị định 36 cũng quy định, hành vi vi phạm quy định về hành nghề khoan nước dưới đất như sau: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-500 ngàn đồng đối với hành vi thi công khoan khai thác nước dưới đất cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải đăng ký mà không thực hiện đăng ký theo quy định./.

Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh họa