Xử lý hành vi vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hay hình sự phụ thuộc vào hành vi của chủ thể tham gia một trong những hành vi mà Luật Đấu thầu hay Bộ luật Hình sự quy định.

 

tm-img-alt
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên đã chỉ đạo cấp dưới “dọn đường, bày mâm” cho một doanh nghiệp trúng hai gói thầu có giá từ hơn 8 tỉ đồng được “thổi giá” lên gần 20 tỉ đồng

Những quy định về đấu thầu được quy định tại Luật Đấu thầu 2013, quá trình và các thủ tục đấu thầu được thực hiện với sự cạnh tranh lành mạnh dưới sự bảo vệ của pháp luật. Những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hay hình sự phụ thuộc vào hành vi của chủ thể tham gia một trong những hành vi mà Luật Đấu thầu hay Bộ luật Hình sự quy định.

Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua việc các địa phương mua sắm thiết dạy học vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng bị xử lý kỷ luật, thậm chí nhiều địa phương còn bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, quy định của pháp luật vẫn còn những hạn chế và thiết sót.

Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ bối cảnh đất nước từ khi thực hiện đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế của đất nước ta ngày một phát triển, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ diễn ra sôi động, các quan hệ kinh tế phát triển mạnh, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý. Để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo phúc lợi xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, Nhà nước ta đã tích cực huy động các nguồn vốn trong xã hội để thực hiện các dự án đầu tư phát triển, các dự án đảm bảo an sinh xã hội.

Trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý nguồn vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đã có nhiều sai phạm liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển, chương trình mua sắm gắn với các hành vi tham nhũng, làm giảm hiệu quả đầu tư của nguồn vốn.

Vì vậy, những sai phạm trong hoạt động đấu thầu đã được hình sự hóa và được hiểu là hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Tội phạm này cũng đã mở rộng hơn đối tượng là chủ thể của tội phạm so với tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Nếu như tội cố ý làm trái, chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn, thì với tội “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” không yêu cầu dấu hiệu chủ thể đặc biệt này, có những hành vi phạm tội chỉ có thể thực hiện do những người không có chức vụ quyền hạn, chỉ được thực hiện bởi những nhà thầu, chẳng hạn như hành vi thông thầu, nhà thầu chuyển nhượng thầu khác trái pháp luật… Tuy nhiên, tội phạm này lại chỉ quy định dấu hiệu chủ thể đã bị xử lý kỉ luật.

Luật Đấu thầu nghiêm cấm các hành vi sau:

Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư; Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án; Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án; Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em một đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu; Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó; Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó; Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do mình giám sát;

Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này; Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; Tiết lộ, tiếp nhận nội dung tài liệu, thông tin về hồ sơ quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, các loại sổ tay ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu… trái pháp luật. Ví dụ như: tiết lộ, tiếp nhận nội dung tài liệu thông tin trên trước thời điểm phát hành theo quy định.

Hậu quả thiệt hại chẳng hạn như là việc Nhà nước phải thanh toán giá trị gói thầu lớn hơn, việc thực hiện gói thầu bị chậm tiến độ dẫn tới hao mòn, thất thoát tài sản, phải gánh chịu tiền lãi phát sinh… Hay như các nhà thầu phải chịu chi phí nghiên cứu, đưa ra gói thầu, bỏ nguồn lực tham dự thầu nhưng lại không trúng thầu do việc lựa chọn nhà thầu có vi phạm thì những chi phí của nhà thầu này cũng có thể xem xét là hậu quả của hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.

Động cơ mục đích không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành. Tội phạm này thường có động cơ, mục đích là vụ lợi. Các hành vi phạm tội thường có sự cấu kết, thông đồng của chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu, nhà tư vấn, giám sát,… nhằm nâng giá thầu, lựa chọn nhà thầu không đúng, không đủ năng lực sau đó chuyển nhượng thầu… từ đó ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Tội phạm này thường đi kèm với hành vi tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và các tội phạm vè tham nhũng khác.

tm-img-alt
Thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, để trúng thầu và nâng khống giá thiết bị hai gói thầu, các đối tượng thành lập nhiều công ty để làm “quân xanh” và thực hiện việc mua đi bán lại thiết bị gói thầu nhằm đẩy giá gói thầu lên gấp nhiều lần. Ảnh : Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên, đơn vị đã trúng 2 gói thầu của Sở Giáo dục Điện Biên

Với hành vi thông thầu được quy định cụ thể tại Điểm b Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong pháp luật đấu thầu, cụ thể như sau:

Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu.

Theo đó, khi thực hiện hành vi thông thầu nêu trên thì sẽ bị xử lý như sau:

Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013 quy định về xử lý vi phạm trong đấu thấu như sau:

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 của Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Đối với xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu được quy định tại Mục 3 Chương 2 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.

Cụ thể:

Khoản 1 Điều 21 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không tiến hành thương thảo hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu…

Ngoài ra, đối với hành vi thông thầu trong trường hợp này có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, như sau:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

Như vậy, với hành vi thông thầu có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

Theo điều 222, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.

Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)