Xử lý hành vi “Đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội” như thế nào?

Đối với hành vi “Đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội”, tùy theo mức độ có thể xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hỏi: Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi “Đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội” ?

Luật sư trả lời:

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; đồng thời, nhằm tạo sự chú ý của cộng đồng mạng tới trang thông tin cá nhân (Facebook, Zalo,…) một số người đã cố tình đưa những thông tin giả, sai sự thật lên mạng xã hội. Việc làm này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp tạo ra những lo lắng, hoang mang không đáng có trong dư luận. Để ngăn chặn, đồng thời giúp người dân hiểu đúng và có trách nhiệm khi thông tin trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

Đối với hành vi “Đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội”, tùy theo mức độ có thể xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi chưa được xác định là nghiêm trọng, chưa gây ra hậu quả lớn thì sẽ bị xử phạt hành chính đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:

 Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”

Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020 thì: “3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức”.

Do vậy, trường hợp bị xử phạt hành chính thì người đưa tin sai sự thật trong trường hợp này có thể bị phạt đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 mà mình đã đăng tải.
Trường hợp, người nào có hành vi “Đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu” thì bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288, Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Tại công văn số 45/HĐTP -TANDTC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số chế tài hình sự trong đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến dịch bệnh Covid-19 có quy định như sau: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288”.

Vì vậy, nếu hậu quả được xác định là “gây dư luận xấu” thì người đưa tin trong trường hợp này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 288, Bộ Luật Hình sự năm 2015 nêu trên.

Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Cơ quan chức năng TP Hà Nội làm việc với ông Trần Văn D, chủ tài khoản Facebook có tên “Hà Nội Phố” về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật. Ảnh: NGỌC ANH