Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh phải được xử lý ô nhiễm, cải tạo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường – TN&MT), tại Việt Nam hiện có hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: “Người dân vẫn có thói quen vất rác bừa bãi, người này bỏ rác được thì người khác cũng bỏ rác được. Vô hình chung, tạo thành các bãi rác vô chủ. Đây chính là các điểm ô nhiễm tồn lưu”.
Ngay tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hiện rác chủ yếu vẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp, với tỷ lệ lên tới 90%. Thậm chí, tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, một số có hệ thống thu gom khí, một số không; hệ thống xử lý nước rỉ rác trong nhiều trường hợp không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
“Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh”, Tổng cục Môi trường đánh giá.
Để xử lý, cải tạo các bãi rác này, theo Quyết định 807/QĐ-Ttg ngày 3/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 – 2020, một trong những mục tiêu là xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa xử lý được các bãi chôn lấp này do thiếu nguồn lực”, ông Nguyễn Thượng Hiền cho hay.
Để xử lý các bãi chôn lấp chất thải, ông Nguyễn Thượng Hiền cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự đầu tư của tư nhân tham gia xử lý rác ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Để thu hút được các nhà đầu tư, phải có cơ chế chính sách rõ ràng, các ưu đãi cụ thể như ưu đãi về vốn, thuế, đất đai…
Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, việc xã hội hóa công tác xử lý bãi chôn lấp chất thải đã được luật hóa. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 có quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cũng nêu rõ, yêu cầu bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi và các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường phải được xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường. Chủ đầu tư, quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm lập phương án xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thực hiện xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án đã được phê duyệt. Tổ chức giám sát môi trường định kỳ, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt kể từ ngày hoàn thiện việc xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường. Kết quả giám sát môi trường định kỳ phải được báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; Lập hồ sơ và bàn giao mặt bằng sau khi hoàn thành xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tại điều 80, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 cũng đã quy định về xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể:
1. Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh phải được xử lý ô nhiễm, cải tạo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
2. Chủ dự án đầu tư hoặc cơ sở quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm sau đây:
a) Ngay sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải tiến hành cải tạo cảnh quan khu vực đồng thời có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường;
b) Tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt kể từ ngày kết thúc việc đóng bãi chôn lấp và báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh theo quy định;
c) Hoàn thành việc xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường, lập hồ sơ và bản giao mặt bằng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi kết thúc hoạt động.
3. Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do Nhà nước quản lý và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát trên địa bàn./.
LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Toàn cảnh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN).