Việt Nam và Phần Lan hợp tác quản lý tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đại sứ quán Phần Lan đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Các giải pháp ngành nước thích ứng với biến đổi khí hậu” vào sáng 11/10 tại Hà Nội.

Nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan tới Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Các giải pháp ngành nước thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp, Antti Kurvinen, cùng với đại diện của mười bốn các công ty thăm Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 10. Các thành viên của đoàn đại diện cho các công ty và các tác nhân khác hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, chuyên môn về nước và rừng ngành công nghiệp.

Nội dung và mục đích chính của cuộc hội thảo nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong ngành nước từ những năm 1980 đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp của Phần Lan trong quá trình quản lý và bảo vệ tài nguyên nước với tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới hiện nay.

tm-img-alt
Toàn cảnh buổi hội thảo (Nguồn: Báo TN&MT)

 

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Lê Trung Thành cho biết Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi, mong muốn học tập kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước của Phần Lan. Phần Lan với thế mạnh là công nghệ xử lý nước ngầm, các cố vấn cấp cao, chuyên gia về tài nguyên nước.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị phía Phần Lan thúc đẩy kết nối xây dựng Dự án về tài nguyên nước để chia sẻ kinh nghiệp về chính sách quản lý, công nghệ; các giải pháp phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn thông qua các biện pháp quản lý, công nghệ bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tri thức, công nghệ trong quản lý nguồn nước là rất cần thiết và quan trọng nhằm giúp Bộ TN&MT xây dựng được dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) hoàn chỉnh, tiếp cận những kinh nghiệm quản lý tiên tiến của Thế giới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ TN&MT đã khẩn trương xây dựng dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua, bao gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hoá ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

Về phía Phần Lan, ông Antti Kurvinen, Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan cho biết quản lý hiệu quả việc cung cấp và sử dụng nguồn nước ở Phần Lan là nền tảng cho những thành công vượt trội mà ngành công nghiệp nước của quốc gia này đã đạt được. Không phức tạp rườm rà, không dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên, tối ưu hoá công nghệ và quản lý một cách logic, các chuyên gia Phần Lan đã tạo ra một “bản sắc” trong lĩnh vực này.

Theo đó, ở Phần Lan, các chu trình sử dụng và quản lý nguồn nước không phải lúc nào cũng đòi hỏi công nghệ tiên tiến và những khoản đầu tư lớn. Áp dụng các giải pháp khác nhau đối với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương. Ông cho rằng quan trọng là phải tăng cường năng lực quản lý của chính quyền địa phương và các bên liên quan khác như huy động khối doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia quản trị tài nguyên nước.

Đặc biệt, Phần Lan luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển khoa học kỹ thuật. Trong đó, Phần Lan đã tập trung vào việc phát triển những giải pháp linh hoạt nhằm đáp ứng các nhu cầu về nước trong tương lai cũng như đáp ứng những thay đổi về điều kiện tự nhiên một cách thích hợp nhất bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào từng hộ gia đình, như công nghệ vòi nước và toilet tiết kiệm nước.

Đại diện Hiệp hội Phần Lan chia sẻ việc sử dụng hiệu quả không chỉ giúp tiết kiệm nước mà còn giúp tiết kiệm các nguồn tài nguyên khác.

Tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Antti Kurvinen và Đại sứ quán Phần Lan Keijo Norvanto bày tỏ tin tưởng, với sự quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam sẽ đạt được những kết quả thành công trong thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với các cam kết tại COP26

Sự hợp tác này ngày càng có ý nghĩa cấp bách hơn khi chúng ta đang đối mặt với thực tế biến đổi khí hậu. Hai bên hy vọng sự hợp tác song phương này sẽ cung cấp một nền tảng để tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác của Phần Lan và Việt Nam trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và đồng tạo ra các doanh nghiệp bền vững nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hải Sơn

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Các đại biểu tham dự hội thảo