Trốn khỏi khu vực cách ly có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Bạn tôi được đưa vào khu cách ly tập trung Covid-19, sau đó lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 1 và cho kết quả xét nghiệm âm tính. Ngay sau đó bạn tôi đã bỏ trốn khỏi khu cách ly. Như vậy, hành vi của bạn tôi sẽ bị xử lý như thế nào?

Hỏi:  Bạn tôi được đưa vào khu cách ly tập trung Covid-19, sau đó lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 1 và cho kết quả xét nghiệm âm tính. Ngay sau đó bạn tôi đã bỏ trốn khỏi khu cách ly . Như vậy, hành vi của bạn tôi sẽ bị xử lý như thế nào?

(Nam Đồng, Tứ Kỳ, Hải Dương)

Luật sư trả lời: Theo Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế được quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:

“2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…”.

Trường hợp cá nhân không tuân thủ cách ly COVID-19 theo các quy định trên thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng. Đồng thời, người có hành vi vi phạm còn bị buộc phải thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, trường hợp bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015,  sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Mức phạt áp dụng cho người không tuân thủ cách ly làm lây lan dịch bệnh theo quy định của Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 là phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, tùy thuộc vào hậu quả của hành vi trốn cách ly, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 – 10 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.

Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 – 12 năm.

Các hình phạt bổ sung của tội này là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm./.

Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh họa