Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại, xác định đúng vai trò, tầm quan trọng, những thách thức đang đặt ra đối với nguồn tài nguyên nước ngầm vô cùng quý giá của quốc gia.
Ở nước ta hiện nay, việc khai thác quá mức, tùy tiện nguồn nước ngầm đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, theo nhiều hình thức để lấy nước sinh hoạt và sản xuất, làm cho tầng nước ngầm ngày càng sụt giảm. Tầng nước ngầm và các thể ngậm nước bị rút nước quá mức trở nên rỗng, gây ra sụt lún ở nhiều đô thị, đồng bằng.
Đáng lo ngại là các loại chất thải từ các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, các bãi chôn lấp, nước thải của các khu dân cư tập trung, nước các dòng sông, dòng kênh bị ô nhiễm, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp ngấm vào đất, nước và tầng nước ngầm dẫn đến ô nhiễm nặng ở tầng nước gần bề mặt.
Trong khi đó, sự bổ cập nguồn nước ngầm ở nước ta hiện nay vẫn hoàn toàn diễn ra theo cơ chế tự nhiên, bằng các đường dẫn thấm nhưng những biến đổi về địa chất, sự can thiệp của các công trình xây dựng, sự đô thị hóa, sự dâng lên của nước biển do biến đổi khí hậu và sự thiếu hụt nguồn nước sông do thủy điện chặn dòng ở một số con sông lớn, rừng tự nhiên bị thu hẹp và suy kiệt…
Do vậy, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại, xác định đúng vai trò, tầm quan trọng, những thách thức đang đặt ra đối với nguồn tài nguyên nước ngầm vô cùng quý giá của quốc gia để có sự quan tâm, đầu tư đúng mức hơn đối với việc bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên này.
Theo điều 10, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 qui định cụ thể về bảo vệ môi trường nước dưới đất và trách nhiệm bảo vệ môi trường nước dưới đất gồm:
1. Các nguồn nước dưới đất phải được quan trắc, đánh giá để có biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có thông số môi trường vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc có sự suy giảm mực nước theo quy định.
2. Hoạt động khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất phải có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước dưới đất.
3. Cơ sở có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước dưới đất.
LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Khai thác nước ngầm quá mức đã khiến cho nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thường xảy ra tình trạng ngập, lún ngày càng nghiêm trọng. Ảnh TL