TP.HCM sẽ chấm dứt hoạt động các cơ sở xử lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường

Vừa qua, UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ngành có liên quan tiến hành rà soát toàn diện hoạt động của những cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP về thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với nội dung quy hoạch các khu xử lý chất thải theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, tập trung phối hợp với các sở ngành liên quan làm việc với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp trên toàn TP.HCM để rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động của doanh nghiệp và tham mưu đề xuất UBND TP hướng xử lý.

Cụ thể, đối với nhóm các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp hoạt động không ổn định, gây ô nhiễm môi trường, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân và không phù hợp với định hướng quy hoạch trong Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn của TP.HCM đang trình Bộ Xây dựng thẩm định: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với các doanh nghiệp để có lộ trình di dời và chấm dứt hoạt động gây ô nhiễm theo quy định.

Đối với nhóm các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp hoạt động ổn định, không gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân, phù hợp với định hướng quy hoạch trong Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn của TP.HCM đang trình Bộ Xây dựng thẩm định: Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định pháp luật nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND TP báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết gia hạn giấy phép môi trường để tiếp tục hoạt động trong thời gian chờ cơ quan chức năng công bố Đồ án quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM theo quy định.

Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn TP.HCM khoảng 9.000 – 9.500 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.900 tấn/ngày đêm, chất thải rắn xây dựng khoảng 1.500 tấn/ ngày đêm; tỷ lệ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 5 – 6%/năm. Đồng thời, lượng chất thải nguy hại phát sinh cũng có xu hướng gia tăng, lượng chất thải nguy hại ước tính khoảng 150.000 tấn/năm (trung bình 350 – 400 tấn/ngày), trong đó chất thải nguy hại y tế khoảng 6.300 tấn (trung bình 17 tấn/ngày).

Theo kế hoạch đề ra tại Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn (CTR) TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, 100% CTR công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế; 100% số khu xử lý CTR đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh…

Bên cạnh đó, 100% tổng lượng CTR sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng CTR sinh hoạt được thu hồi, tái chế làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.

Đồng thời, 60% bùn bể phốt (bùn hầm cầu), bùn thải của hệ thống cấp nước và thoát nước, bùn phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải sản xuất, bùn nạo vét kênh rạch được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường vào năm 2023; tăng dần vào các năm tiếp theo và tiến tới đạt chỉ tiêu 100% vào năm 2025.

Thông tin với báo chí về vấn nạn gây ô nhiễm môi trường tại TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học – Kinh tế – Môi trường (thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, vấn đề cốt lõi đó là ý thức con người, chủ doanh nghiệp sản xuất. Họ có vì cộng đồng hay chỉ vì lợi nhuận, không xử lý chất thải sản xuất trước khi thải ra môi trường, hoặc sử dụng nguyên liệu không an toàn cho môi trường và sức khỏe người tiêu dùng… TP cần mạnh tay buộc những cơ sở sản xuất độc hại như thuốc trừ sâu, hóa chất, chất tẩy rửa ra khỏi KDC. Cơ sở sản xuất hàng thông dụng không ảnh hưởng môi trường có thể cho tồn tại, nhưng phải thay đổi công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới.

Song song đó, chính quyền TP cần có chính sách hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi mua trang thiết bị, máy móc mới, có thể cử các chuyên gia kỹ thuật đến tư vấn và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền “xanh hóa” trong sản xuất các ngành nghề, làng nghề, đặc biệt là nghề liên quan hóa chất, dệt nhuộm, thực phẩm. Sử dụng nguyên vật liệu an toàn, sản xuất an toàn, ý thức an toàn.

Thanh Tùng – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với định hướng quy hoạch sẽ phải di dời và chấm dứt hoạt động gây ô nhiễm theo quy định.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/nhung-co-so-xu-ly-chat-thai-nguy-hai-chat-thai-cong-nghiep-gay-o-nhiem-se-bi-cham-dut-hoat-dong-79666.html