TP.HCM: Dòng kênh đen 20 năm chưa lo được vốn cải tạo

Rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương – Bến Cát nhiều năm nay là điểm đen ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân, mất mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, gần 20 năm qua, hai dự án làm sạch dòng kênh trên vẫn án binh bất động.

Người dân sống chung ô nhiễm

Rạch Xuyên Tâm (dài 8,2km) là con rạch nối từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) đến sông Vàm Thuật (Q.Gò Vấp). Hơn chục năm qua, con rạch được xem là nơi ô nhiễm nhất của thành phố nhưng chưa thể cải tạo. Vốn đầu tư từ 123 tỷ đồng đến nay dự kiến lên hơn 9.300 tỷ đồng.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, dọc các tuyến kênh này rác thải, túi ni lông tràn ngập từ trên bờ xuống dưới mặt nước. Mặt nước đen kịt, bốc mùi hôi thối cùng nhiều rác thải nổi lềnh bềnh, ruồi muỗi bâu đầy, khiến đời sống của người dân sống xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều căn nhà ổ chuột tạm bợ đang xuống cấp trầm trọng nhưng không thể xây mới.

Hiện nay, dọc theo rạch Xuyên Tâm, nhiều đoạn đã bị lấn chiếm xây dựng nên chiều ngang chỉ còn chưa đến 1m. Dòng chảy bị tắc nghẽn, nước thải ùn ứ, đen kịt, bốc mùi hôi thối quanh năm.

Bà Lê Thị Thảnh (ngụ phường 15, quận Bình Tân) cho biết: “Tôi đã sống ở đây hơn 20 năm nay. Từ khi nghe thông tin thành phố sẽ đầu tư cải tạo kênh rạch này người dân rất phấn khởi. Thỉnh thoảng có vài người đến đo đạc, khảo sát nhưng bẵng đi một thời gian không thấy động tĩnh gì. Người dân rất mong Nhà nước sớm cải tạo lại con rạch ô nhiễm này”.

Ông Nguyễn Văn Tám, từng sống trên rạch Xuyên Tâm gần 45 năm cho biết, trước đây dòng kênh rất sạch, xanh trong, người dân còn dùng nước rạch để sinh hoạt, trồng rau.

Tuy nhiên, từ khi dân cư đến ở đông, con rạch ngày càng ô nhiễm do ý thức kém, mọi người thi nhau vứt rác bừa bãi khiến con rạch ngày càng ô nhiễm nặng nề.

Tương tự, kênh Tham Lương – Bến Cát chảy qua địa bàn các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, quận 12 cũng ô nhiễm trầm trọng. Nhiều đoạn còn bị đất cát bồi lắng chặn dòng, tắc nghẽn dòng chảy, cỏ mọc um tùm.

Tình trạng này đã tồn tại gần 20 năm nay nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sinh sống gần kênh; đồng thời là trở ngại lớn cho sự phát triển đô thị hóa của cả khu vực.

Mỏi mòn chờ vốn

Đoạn cuối dòng kênh Tham Lương – Bến Cát bị bồi lắng, cỏ mọc um tùm

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm bao gồm việc cải tạo môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch được UBND TP HCM phê duyệt năm 2002, với số vốn 123 tỷ đồng. Trải qua 19 năm, dự kiến số vốn cần để triển khai dự án lên tới trên 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2015, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất phương án đầu tư 3.500 tỷ đồng theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Năm 2016, UBND TP HCM tái phê duyệt dự án với nguồn vốn khoảng 5.100 tỷ đồng. Tháng 8/2017, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.600 tỷ đồng và hiện là 9.352 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư dự án) cho biết, tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.352 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù GPMB gần 4.900 tỷ đồng.

Riêng chi phí đền bù cho đoạn rạch qua quận Bình Thạnh là hơn 4.300 tỷ đồng, quận Gò Vấp là gần 470 tỷ đồng. Khoảng 2.135 căn hộ bị ảnh hưởng, trong đó 915 căn giải tỏa toàn phần, 1.220 căn giải tỏa một phần.

“Để thúc tiến độ dự án, lãnh đạo thành phố trực tiếp đi thực địa tại tuyến rạch Xuyên Tâm nhiều lần kể từ ngày dự án được phê duyệt. Gần 20 năm qua, người dân nơi đây vẫn chờ có cơ hội được “đổi đời” khi dự án triển khai để có một diện mạo mới”, ông Dũng nói.

Theo đại diện UBND quận Bình Thạnh, hồ sơ dự án hiện đã hoàn tất, tuy nhiên chưa được HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư nên vẫn chờ nguồn vốn.

Nếu được thành phố ghi vốn đầu tư, địa phương sẽ tổ chức triển khai dự án, dự kiến bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để khởi động vào năm 2023.

Nêu giải pháp về nguồn vốn thực hiện dự án, Sở KH&ĐT TP HCM cho rằng, cần sớm đẩy nhanh tiến độ dự án, bởi chi phí đền bù giải tỏa của dự án rất lớn, càng chậm trễ càng tăng thêm vốn.

Nếu mức đầu tư dự án trên 10.000 tỷ đồng sẽ vượt thẩm quyền của thành phố, lúc đó phải xin chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Để đẩy nhanh tiến độ, thành phố có thể xin Trung ương hỗ trợ chi phí đền bù, giải tỏa, phần chi phí xây dựng có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức BT.

Tương tự, với hy vọng biến kênh Tham Lương – Bến Cát trở thành kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thứ hai, TP HCM có chủ trương đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo. Dự án “xanh hóa” dòng kênh này được khởi động từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do chưa có nguồn vốn.

Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, dự án đang chờ nguồn vốn vay, khi có tiền đầu tư mới có thể xác định được quy mô dự án. Hiện dự án đã hoàn tất công tác GPMB, chỉ đợi tìm được nhà đầu tư phù hợp để thực hiện.

Rạch Xuyên Tâm đoạn từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật có chiều dài 6,21km và 3 tuyến nhánh dài 1,94km (gồm rạch cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi). Quy mô dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm gồm cải tạo, kè bảo vệ bờ và xây dựng tuyến đường giao thông từ 4 – 6 làn ở hai bên rạch và trên cống bê tông…

Kênh Tham Lương – Bến Cát có chiều dài hơn 32km. Dự án “xanh hóa” tuyến kênh này chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm nạo vét bùn dưới kênh, làm đường dọc 2 bên kênh; Giai đoạn 2 sẽ thực hiện nhiều hạng mục như xây kè, làm đường dọc 2 bên kênh, xây dựng 2 cống ngăn triều ở 2 đầu và cuối kênh (cống rạch Nước Lên và cống Vàm Thuật)… Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 8.200 tỷ đồng, trong đó sẽ sử dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn Trung ương, còn lại là vốn đối ứng từ thành phố.

Đỗ Loan – Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp) ô nhiễm nặng nề

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/tphcm-dong-kenh-den-20-nam-chua-lo-duoc-von-cai-tao-d520781.html