TP.HCM: Chi nghìn tỷ cải tạo, rác vẫn ngập kênh rạch

TP.HCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cải tạo các dòng kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm, Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Thế nhưng, hiện những dòng kênh này vẫn nhiều rác thải, ô nhiễm môi trường.

Những dòng kênh đen ngòm

Có mặt tại khu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm những ngày đầu năm 2024, PV Báo Giao thông ghi nhận, dòng kênh nước đen ngòm, bốc mùi hôi, rác nổi lềnh bềnh.

Bà Vũ Thị Thủy, người bán nước ven kênh cho biết, khách hàng uống nước chủ yếu là khách quen, còn khách lạ chỉ ghé qua mua mang về, không dám ngồi lại.

“Tôi sinh sống từ nhỏ đến lớn ở đây mấy chục năm chứng kiến sự thay đổi của dòng kênh. Trước kia kênh trong và không có mùi hôi, người dân có thể tắm giặt. Vài năm trở lại đây, dòng kênh đã bị ô nhiễm nặng, sau đó được thành phố cải tạo mới được như bây giờ. Không mong kênh sẽ trong xanh như ngày xưa, chỉ mong mọi người đều có ý thức, không vứt rác bừa bãi, sẽ bớt mùi hôi”, bà Thủy nói.

Tương tự, nước kênh Tàu Hũ – Bến Nghé (khu vực quận 6) cũng đen và nặng mùi hôi không kém. Chỉ có đoạn trên thượng nguồn gần cầu Mống (quận 1), nước kênh mới bớt ô nhiễm phần nào.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài 8,7km (chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) được thành phố đầu tư 10.000 tỷ đồng cũng chỉ được đoạn đầu gần cầu Thị Nghè (quận 1) phía thượng nguồn nước trong xanh. Còn phía hạ nguồn qua quận Tân Bình, Phú Nhuận rất nhiều rác thải, nước bốc mùi.

Nhà trên đường Hoàng Sa, đối diện kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ông Huỳnh Quốc Duy cho hay: “Từ khi kênh được cải tạo người dân rất phấn khởi, có chỗ tập thể dục, trẻ con có chỗ vui chơi. Tuy nhiên, gần đây nhiều người thiếu ý thức xả rác bừa bãi, thậm chí vứt cả xác động vật xuống kênh. Chính quyền vào cuộc xử lý nhưng chưa quyết liệt”.

Đề xuất lắp camera để xử phạt

Tìm hiểu của PV, năm 2023, Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở GTVT TP.HCM) đã thực hiện nhiều đợt vớt rác các tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Kênh Tẻ – Kênh Đôi – Tàu Hũ – rạch Bến Nghé, sông Sài Gòn. Trung bình mỗi ngày các công nhân vớt 85,5 tấn rác, cả năm vớt hơn 16.683 tấn.

Rác trôi nổi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Tuyến Nhiêu Lộc – Thị Nghè mặc dù đã cải tạo, xây dựng kè hai bên, nhưng mỗi ngày vẫn vớt được 6 tấn rác. Còn các tuyến Kênh Tẻ – Kênh Đôi – Tàu Hũ – rạch Bến Nghé cải tạo chưa hoàn chỉnh, mỗi ngày vớt 32,7 tấn rác. Điều này cho thấy tình trạng xả rác vẫn còn nhức nhối.

Kinh nghiệm ở một số nước như Singapore, chính phủ triển khai biện pháp rất hiệu quả là cảnh sát môi trường ăn mặc giống như dân thường đi thực tế ở các khu công cộng. Hễ phát hiện người nào xả rác, gạt tàn thuốc không đúng nơi quy định, họ sẽ lập biên bản xử phạt ngay.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy TP.HCM cho biết, đơn vị đang trình thành phố chủ trương cải tạo, nạo vét kênh Bến Nghé và một đoạn kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Trước mắt, đơn vị được giao nhiệm vụ vớt rác hằng ngày trên một số tuyến kênh này.

Về lâu dài, trung tâm đã có kế hoạch nạo vét bùn ở kênh Lò Gốm và Bến Nghé. Bùn bị nhiễm vi sinh ở những kênh này sẽ được đem về nhà máy Đa Phước xử lý. Mục đích để lưu thông dòng chảy, giảm ô nhiễm. Khi bùn nhiễm vi sinh được nạo vét, nước ở dòng kênh được hòa tan cùng với nước sông Sài Gòn sẽ không còn đen nữa.

Theo ông Tuấn, việc vớt rác, thu gom lục bình, rong cỏ, chất thải rắn trôi nổi trên các tuyến đường thủy được Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý đường thủy thực hiện từ năm 2018 đến nay. Trong đó, có nghiên cứu ứng dụng các công nghệ nhằm nâng cao năng suất, có khả năng vớt được những mảng rác, lục bình lớn. Việc này góp phần khơi thông dòng chảy, phát triển du lịch, cải thiện môi trường nước.

Theo ông Tuấn, rác nổi trên kênh một phần do nhiều người cố tình ném xuống, một phần cũng từ các kênh khác kéo vào, vì các kênh nối thông nhau. Đơn vị tổ chức vớt mỗi ngày nhưng không xuể.

Trách nhiệm quản lý, ngăn chặn tình trạng xả rác hai bên kênh thuộc các phường. Tuy vậy, việc xử phạt hành vi xả rác ra kênh rất khó vì không bắt được tận tay, phường không có lực lượng theo dõi.

PGS. TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, mỗi ngày, công nhân vớt khoảng 300 tấn rác trên các tuyến kênh. Thành phố tốn khoản chi phí rất lớn để hằng ngày duy trì việc vớt rác, chưa kể máy vớt rác nhập từ nước ngoài tốn khoảng hơn 40 tỷ đồng.

“Để xử phạt, thành phố cần đầu tư hệ thống camera có thể truy xuất được và xử phạt nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi. Giải pháp nữa có thể học hỏi kinh nghiệm của các địa phương như Hội An (Quảng Nam). Chính quyền phát hiện có bịch rác bỏ lung tung ở đường thì 3 nhà sát nhau, gần đó sẽ bị phạt. Ai cũng sợ bị phạt, nên một là họ sẽ không bỏ rác lung tung, hai là cứ thấy rác ở đường là chủ động nhặt bỏ đúng nơi quy định”, ông Sỹ nói.

Đầu tư nghìn tỷ cải tạo các dòng kênh

Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm khởi công từ tháng 12/2011, khánh thành tháng 4/2015 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng (gồm 1.700 tỷ đồng chi phí bồi thường, giải tỏa, tái định cư).

Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè khởi công tháng 3/2003, hoàn thành tháng 8/2012 với tổng vốn đầu tư dự án 8.600 tỷ đồng, gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn ngân sách TP.HCM.

Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ, giai đoạn 2 (còn gọi là dự án cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản khoảng 9.830 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Ngoài ra, còn có dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với tổng mức đầu tư hơn 9.664 tỷ đồng được thành phố bố trí vốn đầu tư đang thực hiện bồi thường GPMB, dự kiến triển khai tháng 8/2024. Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên với tổng vốn hơn 8.200 tỷ đồng đang được thi công.

Đỗ Loan – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Kênh Tàu Hũ – Bến Nghé đoạn giáp với kênh Tân Hóa – Lò Gốm nước đen kịt, rác lềnh bềnh.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/tphcm-chi-nghin-ty-cai-tao-rac-van-ngap-kenh-rach-192240305000047909.htm