Thất thoát tài nguyên do Công ty CP đầu tư Thành Thắng Group khai thác đá sét sai phép?

Được cấp phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ đá sét từ tháng 1/2018 tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản mỏ. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV thì từ khi mới chỉ có giấy phép thăm dò trữ lượng khoáng sản, Công ty CP đầu tư Thành Thắng Group đã tiến hành đưa máy móc vào khai thác tại khu vực mỏ tại xã Liêm Sơn và xã Thanh Lưu. 

Theo giấy phép 71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018, quyết định cho phép Công ty Cổ phần đầu tư Thành Thắng Group (Công ty Thành Thắng) khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ đá sét tại khu vực các xã Liêm Sơn và  Thanh Lưu (nay là thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, Hà Nam).

Hằng ngày có hàng đoàn xe quá khổ, quá tải mang logo Thành Thắng Group chở đá sét từ mỏ đến nhà máy xi măng Thành Thắng.

Trong đó, diện tích khai thác là 9,53 ha được giới hạn bởi các điểm khép góc có toạ độ xác định theo phụ lục 1 và bản đồ khai thác khoáng sản tại phụ lục 2 của giấy phép. Trữ lượng khai thác là 2,641,562 tấn đá sét ở trạng thái tự nhiên trong thời gian 30 năm (có 1 năm xây dựng cơ bản), độ sâu khai thác thấp nhất ở +20m.

Cũng theo giấy phép, Công ty Thành Thắng phải tiến hành khai thác theo đúng toạ độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng đã quy định. Trước khi tiến hành khai thác phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định; Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra thực địa, xác định toạ độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới khu vực được phép khai thác; Thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, phục hồi môi trường của dự án… Giấy phép cũng nêu rõ trước khi tiến hành khai thác Công ty Thành Thắng phải đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, thông báo về giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác…

Khối lượng lớn đá sét đã được Công ty Thành Thắng tiến hành khai thác.

Giấy phép có hiệu lực kể từ ngày ký tức ngày 11/01/2018, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản và phải đăng kí ngày bắt đầu xây dựng. Như thế, nếu đăng kí ngay trong ngày cấp phép thì đến ngày 11/01/2019 Công ty Thành Thắng mới có thể bắt đầu tiến hành khai thác tại khu vực xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) với trữ lượng khai thác năm đầu tiên quy định là 31.562 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân sống dọc đường Dốc Bưởi và tuyến đường liên xã ĐH13 đoạn từ xã Liêm Sơn, thị trấn Tân Thanh, xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm) đến nhà máy xi măng Thành Thắng (xã Thanh Nghị), từ khoảng năm 2014, 2015 Công ty Thành Thắng đã tiến hành khai thác đá sét tại mỏ đá sét thuộc thị trấn Tân Thanh và xã Liêm Sơn.

Đất rơi vãi ra đường khiến tuyến đường bị sình lầy, ô nhiễm gây ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Người dân địa phương bức xúc phản ánh, từ khoảng năm 2014, 2015 đến nay, họ thường xuyên phải chung sống với việc xe quá tải, cơi nới thành thùng chở đá sét từ mỏ đá sét của Công ty Thành Thắng ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, gây hư hỏng đường dân sinh, ảnh hưởng đến đời sống người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch thị trấn Tân Thanh làm việc với PV Báo TN&MT.

Từ những phản ánh của người dân, PV Báo TN&MT ghi nhận, tại tuyến đường ĐH13 qua xã Thanh Hương, đường dốc Bưởi… hàng loạt xe vận tải cơi nới thành thùng, xe đầu kéo chở vật liệu rời vượt thùng, chở quá tải, nhiều xe không được che chắn khiến vật liệu rơi vãi mang logo của Thành Thắng Group hoạt động liên tục. Ngay từ sáng, tại mỏ đá sét hoạt động vận tải đã rất nhộn nhịp, cả đoàn xe tải tới tấp ra vào “ăn hàng” rồi chở về điểm tập kết là nhà máy xi măng Thành Thắng. Điều ngạc nhiên là suốt nhiều ngày PV tác nghiệp trên cung đường này, xe cơi nới thành thùng, chở quá tải hoạt động một cách ngang nhiên gây hư hỏng tuyến đường dân sinh thế nhưng lại không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam đảm bảo an toàn giao thông hoặc kiểm tra, xử lý.

Xe quá khổ, quá tải, cơi nới vô tư lộng hành, chở vật liệu từ mỏ đá sét về nhà máy xi măng Thành Thắng mà không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Tân thừa nhận việc xe quá khổ, quá tải của Công ty Thành Thắng hoạt động tại địa bàn thị trấn từ khoảng năm 2015 gây chấn động nứt nhà dân, gây bụi như người dân phản ánh là đúng thực tế.

“Thực chất việc khai thác, vận chuyển đá sét của Công ty Thành Thắng gây bụi là có vì do xe đi tới đâu thì bụi sẽ bay kéo theo tới đó. Còn việc người dân phản ánh nước đổ từ trên núi xuống là do công ty không xây dựng hệ thống thu hồi nước. Lẽ ra theo quy định thì phải xây dựng sau đó để nước lắng đọng, tiêu thoát dần dần”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Toản, trước đây khu vực mỏ khai thác đá sét này là của Công ty CP xi măng Thanh Liêm, sau khi hoạt động một thời gian thì chuyển giao lại cho Công ty Thành Thắng. Đến năm 2014, 2015 Công ty bắt đầu tiến hành đưa máy móc vào khai thác đá sét tại khu vực thị trấn Tân Thanh và xã Liêm Sơn để phục vụ cho nhà máy xi măng Thành Thắng.

Theo đó, tại giấy phép thăm dò trữ lượng khoáng sản nêu rõ Công ty Thành Thắng phải có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản; nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong quá trình thăm dò. Trường hợp Công ty Thành Thắng vi phạm các quy định của Luật khoáng sản và các văn bản pháp luật có liên quan hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại giấy phép sẽ bị thu hồi giấy phép.

Như vậy, khi mới chỉ có giấy phép thăm dò khoáng sản thế nhưng Công ty Thành Thắng đã tiến hành khai thác đá sét tại khu vực thị trấn Tân Thanh và xã Liêm Sơn, có dấu hiệu vi phạm điều khoản trong giấy phép thăm dò khoáng sản.

Việt Linh – Xuân Vũ – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Theo quy định, năm đầu tiên Công ty Thành Thắng chỉ được khai thác 31.562 tấn đá sét/năm. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường khối lượng Công ty này khai thác có thể đã vượt quá nhiều lần.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/that-thoat-tai-nguyen-do-cong-ty-cp-dau-tu-thanh-thang-group-khai-thac-da-set-sai-phep-299174.html