Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ về chế tài xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai.
Điều 229 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, người có hành vi vi phạm trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm sau:
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;
Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai mà phát hiện người có hành vi vi phạm trọng quản lý đất đai thì trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra có quyền đề nghị người có thẩm quyền đình chỉ hoặc tạm đình chỉ công tác của người có hành vi vi phạm.
Dự thảo cũng quy định đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.
Ngoài nội dung trên, Dự thảo Luật Đất đai còn sửa đổi, bổ sung quy định về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. Điều 85 Dự thảo về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã giao cho xã tổ chức họp dân để phổ biến và tiếp thu ý kiến rồi phối hợp kiểm đếm để thu hồi.
Nếu người bị thu hồi không đồng ý thì vận động, thuyết phục và sau đó sẽ cưỡng chế mà không có quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của người dân.
Tuy vậy, thực tế cho thấy không phải dự án nào cũng thực hiện đúng mục đích sử dụng đất đã thu hồi nên việc vận động người dân thiếu hiệu quả. Vì vậy, có ý kiến cho rằng nên quy định quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại của người dân khi bị thu hồi đất theo đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai có khi lên đến hàng chục năm gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất.
Do vậy, Dự thảo cần có quy định để tháo gỡ bất cập này như cần có cơ chế cho trường hợp đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi theo kế hoạch nhưng chưa thực hiện thì người dân vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đặc biệt, luật cần quy định chế tài xử lý đối với các dự án “treo”.
H.L – Báo ANTĐ
Theo An ninh Thủ đô
Ảnh: Nên quy định quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại của người dân khi bị thu hồi đất
Xem bài viết gốc tại đây: