Sửa đổi Tiêu chuẩn xây dựng mạng lưới cấp nước

Vừa qua, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đã nhất trí nghiệm thu dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam “Cấp nước – Mạng lưới đường ống và công trình – Tiêu chuẩn thiết kế” do nhóm nghiên cứu Hội Môi trường xây dựng Việt Nam thực hiện.

Đại diện nhóm thực hiện đề tài – PGS.TS Nguyễn Văn Tín cho biết: TCXDVN 33: 2006 “Cấp nước – Mạng lưới đường ống và công trình – Tiêu chuẩn thiết kế” được ban hành năm 2006, cách đây đã 15 năm. Trong thời gian đó, trên phạm vi toàn quốc đã có hàng trăm dự án cấp nước được hoàn thành, với nhiều loại vật liệu, công nghệ mới được áp dụng. Do đó, việc cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung và nâng cấp tiêu chuẩn này là rất cần thiết.

Qua tham khảo nhiều tiêu chuẩn nước ngoài có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu,  ý kiến của các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực cấp thoát nước và của các đơn vị tư vấn thiết kế như Cục Hạ tầng kỹ thuật, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Công ty cổ phần Cấp nước Bình Dương, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Xây dựng, nhóm đã xây dựng và cập nhật vào dự thảo Tiêu chuẩn những nội dung mới của QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng; QCVN 01-1:2018/BYT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước dùng cho mục đích sinh hoạt; QCVN 08-MT 2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt… Ngoài ra dự thảo đã lược bỏ một số nội dung không còn phù hợp; điều chỉnh các hệ số tính quy mô công suất trạm/nhà máy cấp nước; bổ sung các nội dung mới về công nghệ, phân cấp mạng lưới thành 3 cấp, bảo vệ nguồn nước.

Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đánh giá đây là đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng, với nội dung liên quan đến lĩnh vực tư vấn thiết kế, vật liệu, quy hoạch… Tuy nhiên cần nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa một số đề mục, sử dụng thống nhất các thuật ngữ khoa học, điều chỉnh một số thông số tính toán để đảm bảo nâng cao cơ sở khoa học cũng như tính thực tiễn của dự thảo Tiêu chuẩn.

Thủy Anh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Nhà máy nước An Dương – Hải Phòng