Sông Tô Lịch ngập rác ngày Tết: Sự văn minh hình thức

Từ người dân tỉnh lẻ cho tới dân Hà Nội và ngay cả lực lượng tuyên truyền, những người có trình độ học thức cao cũng không có ý thức

Vớt không xuể

Chỉ sau 3 ngày Tết, mặt sông Tô Lịch lại ngập rác thải. Nhân viên môi trường vớt liên tục trong 2 ngày không hết.

Trao đổi nhanh với nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (HSDC), nhân viên này cũng có chung suy nghĩ lẽ ra ngày Tết người dân về quê, rác phải ít đi nhưng trái ngược, rác lại đổ ra sông nhiều hơn. Trước tình trạng trên, nhân viên của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội chỉ biết thở dài than vãn “ý thức của người dân quá kém”.

Vị này cho hay, rác thải được người dân đổ ra quá nhiều, lại ném thẳng rác xuống sông, bộ phận thu gom rác trên mặt đường không thu gom được.

Trong khi có nhiều gia đình tranh thủ dọn dẹp nhà cửa trước khi về quê, cũng dồn hết rác xuống sông. Rồi một số hộ tiểu thương buôn bán hoa, cây cảnh không bán hết cũng đổ hết xuống sông.

“Bình thường đoạn sông ngập rác vẫn thường xuyên có nhân viên đi thu gom, vớt rác thải trên mặt sông kể cả trong những ngày nghỉ Tết nhưng năm nay mùng 1 Tết thời tiết lại mưa lớn, khiến lực lượng thu gom, vớt rác không làm việc được mới khiến tình trạng rác thải nổi lềnh bềnh, phủ kín khắp mặt sông”, vị này giải thích.

Không chỉ rác thải trên sông Tô Lịch, ngay cả trên các tuyến phố cũng được nhân viên Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) than phiền vì quá nhiều rác thải được đổ ra.

Theo nhân viên Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), chỉ sau một ngày Tết, tức đến ngày mùng 2 Tết, đơn vị này đã phải đi thu gom rất nhiều rác thải được vứt ra đường.

Tình nguyện viên, người có học cũng vứt rác bừa bãi

Lý giải cặn kẽ hơn, PGS.TS Phùng Chí Sỹ – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, tình trạng xả rác xuống sông Tô Lịch, đường phố là có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, ông cho rằng rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình thải ra trong những ngày lễ Tết thường nhiều hơn gấp nhiều lần những ngày thường. Ông lấy ví dụ, ngày thường một hộ gia đình thải ra khoảng 0,5-0,7kg rác thải nhưng với ngày Tết, đặc biệt là những ngày cuối năm và những ngày đầu năm thì lượng rác tăng đột biến gấp nhiều lần. Ngay tại TP.HCM, một ngày thường có thể vận chuyển khoảng 10.000 tấn rác, nhưng với ngày Tết có thể lên tới 15.000-20.000 tấn rác/ngày.

Thứ hai, trong những ngày Tết lực lượng thu gom rác cũng không làm việc thường xuyên, không thu gom rác đúng giờ khiến nhiều hộ gia đình tích trữ rác sợ mùi đã vứt rác ra đường, với những hộ gần sông, hồ thì vứt xuống sông, hồ.

Thứ ba, vị chuyên gia đề cập tới công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Lấy ví dụ ngay trong các sự kiện Giờ trái đất hay những sự kiện kêu gọi làm cho thế giới sạch hơn… đối tượng tham gia chủ yếu là các tình nguyện viên những người mang theo những thông điệp tốt đẹp để truyền tải cho thế giới thì lại chưa có hành động đẹp.

“Sau mỗi sự kiện là túi bóng nilon trải đầy đường, lực lượng thu gom rác thu từ sáng đến đêm không hết rác thải do chính lực lượng tình nguyện viên xả ra. Điều này cho thấy giữa lời nói với việc làm chưa nhất quán, vì thế mới có chuyện ai cũng có thể xả rác ra đường, vứt ra sông từ người dân tỉnh lẻ cho tới dân Hà Nội và ngay cả lực lượng tuyên truyền, những người có trình độ học thức cao cũng không có ý thức…”, PGS Phùng Chí Sỹ nêu.

Điểm thứ tư, vị PGS đề cập đó là việc bố trí các phương tiện chứa rác còn thiếu, chưa tiện lợi. Hình thức xử lý còn nương nhẹ, thiếu cơ quan giám sát nên không phát hiện và xử lý được kịp thời.

Bên cạnh đó, lực lượng thu gom rác, vệ sinh đường phố cũng chưa làm tròn trách nhiệm, nhiều khu phố còn nhếch nhác, bẩn thỉu khiến nhiều người có tâm lý, chỗ này có rác vứt thêm rác cũng không sao.

“Chung quy lại đây là do lượng rác thải ra nhiều hơn trong khi ý thức của người dân kém mà lực lượng thu gom rác lại mỏng, công tác quản lý thì buông lỏng, lơ là hơn ngày thường khiến rác thải bị vứt bừa bãi, gây ô nhiễm, mất cảnh quan”, vị chuyên gia nói.

Phải đi từ gốc

Đáng nói, rác tràn ngập mặt sông Tô Lịch cũng là những đoạn sông mà TP Hà Nội đang thí điểm các công nghệ mới để làm sạch nước sông. Việc này đã phủ nhận nhiều nỗ lực giải cứu sông Tô Lịch của các cơ quan quản lý Hà Nội trong suốt thời gian qua.

Bàn thêm về việc này, PGS Phùng Chí Sỹ cho hay mọi giải pháp của TP Hà Nội đã thí điểm như áp dụng công nghệ của Nhật, thậm chí bàn tới giải pháp dẫn nước từ hồ Tây để tẩy rửa sông Tô Lịch, làm hồi sinh sông Tô Lịch… chỉ là giải pháp tình thế. Ông cho rằng, muốn hồi sinh được sông Tô Lịch phải đi từ gốc, phải chặn được rác thải sinh hoạt, nước xả thải từ các nhà máy xả xuống sông Tô Lịch.

“Sử dụng công nghệ Nano của Nhật chỉ giúp xử lý cho từng đoạn sông, không thể áp dụng cho cả một dòng sông, một lưu vực hở như sông Tô Lịch.

Hay như giải pháp bổ cập nước sông Hồng tẩy sông Tô Lịch, cũng chỉ là giải pháp pha loãng nước sông Tô Lịch, làm sạch nước sông trong từng thời điểm nhất định, không ngăn chặn được nguồn gốc gây ô nhiễm.

Vấn đề của sông Tô Lịch là làm sao để rác không xả ra sông nữa”, vị chuyên gia nói.

Cụ thể hơn với sông Tô Lịch, PGS Phùng Chí Sỹ cho rằng, muốn được như vậy thì phải áp dụng nhiều biện pháp từ giải pháp khoa học cho tới nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cùng với đó là các biện pháp xử phạt thật nghiêm khắc để răn đe.

Ông nhấn mạnh, một con sông có rất nhiều chức năng bao gồm chức năng điều tiết, điều hòa không khí, làm đẹp cảnh quan cho đô thị, tiếp đến là cấp thoát nữa, phục vụ tưới tiêu, giao thông đường thủy… Trong đó, mục tiêu điều tiết, làm đẹp cảnh quan là quan trọng nhất, vì thế, sông phải trong xanh, sạch, đẹp chứ không thể bốc mùi hôi thối chạy quanh thành phố được.

Sông Tô Lịch ngập rác 3 ngày Tết: Ai làm bẩn?

Muốn làm được như vậy, vị PGS cho rằng không cách nào khác là phải ngăn được nguồn nước thải bẩn đổ ra sông. Việc này Hà Nội chưa làm được, do nguồn thải từ nhà máy, nguồn nước thải sinh hoạt từ người dân, từ chăn nuôi không được kiểm soát. Vì thế, Hà Nội muốn giải cứu sông Tô Lịch phải xây dựng tuyến cống gom nước thải chạy hai bên sông Tô Lịch, nước thải sau khi được xử lý mới xả ra sông.

Ở giai đoạn tiếp theo, vị chuyên gia cho biết phải thực hiện nạo vét bùn thải dưới nòng sông.

Ở giai đoạn đoạn 3 mới tính tới dùng nước sông Hồng tẩy rửa nước sông Tô Lịch hay các biện pháp khác.

“Nếu chưa làm được việc này mọi giải pháp cứu sông Tô Lịch đều không hiệu quả”, PGS Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh.

Lam Lam – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Rác nổi lềnh bềnh mặt sông Tô Lịch. Ảnh: Zing

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/song-to-lich-ngap-rac-ngay-tet-su-van-minh-hinh-thuc-3396002/