Sóng lạ tàn phá làng chài

‘Biển lặng băng, thuyền thúng đi lại bình thường, nhưng sát bờ lại cứ có sóng lớn, chuyện chưa từng thấy…’. Nhiều người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ. Câu hỏi có lẽ dành cho các nhà nghiên cứu hải dương học.

Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải lúc 22 giờ đêm 20-12, hàng trăm người đứng, ngồi lố nhố khắp xóm chài ở khu vực gần bãi biển, mắt không rời những con sóng lạ, thỉnh thoảng miệng lại ồ lên ngạc nhiên, ánh mắt không giấu vẻ tò mò về những đợt sóng từ ngoài biển cứ lừng lững ập vào làng chài. Nếu nói là sóng biển tấn công làng chài thì chưa sát, mà chỉ tấn công vào một cụm nhà chừng 20 căn nằm sát biển. Những ngày trước, sóng tấn công ở mạn đầu thôn Phước Thiện, còn khoảng 15 ngày gần đây thì tấn công vào khu vực lân cận.

Báo chí đồng loạt đưa tin “triều cường xâm thực, gây sạt lở nhà cửa”. Nhưng đó là những cái tin dễ bị rơi vào quên lãng, vì từ sau cơn bão số 9, tình hình sạt lở bờ biển xảy ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thiệt hại nặng nhất là ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng sau những đợt sạt lở thì vết thương được hàn gắn, vì hiện tượng sóng biển dâng cao đã giảm đi. Còn ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải thì đó lại là lúc bắt đầu.

Ông Trần Bườm, 72 tuổi, là người dân ở thôn Phước Thiện nhìn sóng ập vào bờ rồi phân tích về sự lạ thường. Ông cho biết, khi bão số 9 cực lớn ập vào Quảng Ngãi, sóng biển cũng đánh vào bờ, tuy nhiên trong lúc bão thì sóng biển vẫn không vào sâu. Còn trong suốt 15 ngày qua, trên biển không có giông bão, không có áp thấp nhiệt đới; bà con ngư dân đi thuyền, thúng vẫn ra biển đánh cá bình thường. Tuy nhiên thì khu vực này tự dưng có sóng lớn, lớn hơn cả khi có bão. “Sóng này là sóng thần, sóng thần thì mới vậy, ngoài biển im, nhưng sóng cứ ập vô miết, toàn sóng lớn” – ông Bườm nhận định.

Có vài người già cũng phân vân về cách gọi những con sóng ập vào khu vực đầu thôn Phước Thiện và nói rằng không biết nên gọi là sóng gì, sóng thần hay sóng lạ, hoặc là sóng bất thường. Ông Dương Văn Quang, người đã khản giọng vì lo lắng và hò hét cứu tài sản trong ngôi nhà nằm sát biển. Trong đêm ngày 17-11, sóng ập vào bờ mỗi lúc một lớn, đến khoảng 22 giờ 30 phút thì một phần ngôi nhà của ông đổ sập. Hình ảnh từ clip do bà con quay lại cho thấy, ngôi nhà lộn vòng xuống biển, sau đó mất hút trong những con sóng đen ngòm.

Sau đêm sóng ập vào làng chài, tôi đi dọc triền cát và gặp, phỏng vấn nhiều người dân và được biết, khu vực nhà bị sạt lở, cát bị sóng biển rút đi và bồi vào 2 điểm, một điểm không có dân cư ở đầu thôn Phước Thiện và một điểm ở giữa thôn. Tốc độ “vận chuyển” cát của sóng biển diễn ra rất nhanh, từ sau bão số 9, sau đó tiếp tục tăng lên sau khi nhiều cơn bão khác, cộng với áp thấp nhiệt đới liên tiếp diễn ra. Nếu muốn ước tính lượng cát đã bị sóng lôi ra biển và bồi chỗ khác thì có thể quan sát nhà chị Nguyễn Thị Liễu. Ngôi nhà của chị nằm trên bãi biển, nhưng sóng ập vào, sau đó “treo” ngôi nhà chị lơ lửng ở vị trí nằm ngang đỉnh đầu. Hiện nay, 1/3 diện tích ngôi nhà đã nằm ở tư thế chơi vơi, phần nhà người “bửa” ra, nghiêng về phía biển.

Bà Dương Thị Điền lo lắng nhìn những đợt sóng lạ – Văn Chương.

Suốt thời gian qua, cứ đêm xuống thì khu vực đầu thôn Phước Thiện trở thành nơi tập trung đông người, nhà cửa sáng điện suốt đêm. Những người già, tuổi từ 70 trở lên thì ngồi đoán định về tình hình sóng biển để thông báo cho người dân sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ các gia đình đang bị sóng biển đe dọa. Ông Trần Đình Chí, 75 tuổi bước qua khoảng sân nhỏ nhà của ông Nguyễn Thặng đang bị sóng khoét vào giữa sân như lưỡi hái rồi chỉ ra biển cho biết, cứ chiều tối là nước dâng, sau đó thì 10 giờ sóng bắt đầu lớn, ngày hôm sau cách ngày hôm trước khoảng 1 giờ, sóng cứ lớn dần và ập vô xóm.

“Sóng biển ở đâu ra, trong khi biển êm? Tại sao lại có sóng và chỉ có 1 khu vực nhỏ? Sóng này gọi là sóng gì…?”, có quá nhiều câu hỏi về con sóng lạ. Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải dù có vẻ né tránh những ngôn từ gây lo lắng quá thái cho người dân, nhưng cũng nhận định rằng “không hiểu, sóng biển dị thường, thời tiết, thiên nhiên chắc có lẽ thay đổi, sóng gây sạt lở hơn 1500 mét bờ biển…”. Ông Cầu và địa phương đang vận động một số nhà dân mở rộng lối đi để xe công nông chở đá trút xuống mé biển, nhằm ngăn chặn phần nào bước tiến của sóng.

Tại hiện trường, sóng đã bào mòn bờ biển, bãi biển đã bị hạ thấp khoảng 1,5 mét, có nơi thấp xuống đến 2 mét. Mất bờ biển, sóng biển ra, vào tự do, mặc sức tàn phá.

==========================================================================================================================

Ông Dương Văn Quang cho biết, 5 ngày nay sóng ngừng tấn công làng chài. Nhưng đang có dự báo thời tiết xấu trên biển, nên bà con đang tiếp tục chuẩn bị chống chọi đợt sóng lạ nữa.

=================================================================================================================

LÊ VĂN CHƯƠNG – Báo CAĐN

Theo Công An Đà Nẵng

Ảnh: Sóng lạ vào làng chài.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://cadn.com.vn/news/75_236699_song-la-tan-pha-lang-chai.aspx