Siết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Tình trạng khai thác mỏ khoáng sản trái phép diễn ra công khai, bất chấp pháp luật gây bức xúc dư luận ở Lai Châu.

Mỏ đá không phép vẫn vô tư hoạt động

Việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, khiến tình trạng khai thác khoáng sản không phép diễn ra công khai, bất chấp pháp luật ở huyện Mường Tè (Lai Châu).

Tại xã Mường Tè và Nậm Khao (huyện Mường Tè), 2 mỏ đá lớn nằm trên địa bàn 2 xã này đang bị khai thác trái phép. Không những vậy, việc khai thác đá trái phép còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Tại Mỏ đá Dốc Voi, nằm trên địa bàn xã Mường Tè (huyện Mường Tè, Lai Châu) gần quốc lộ 4H, đang bị khai thác triệt để bởi hàng loạt thiết bị máy móc cỡ lớn. Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Hùng Sơn Điện Biên là chủ đầu tư khai thác mỏ đá nhưng giấy phép hiện đã hết hạn từ ngày 30.9.2021.

Quá trình khai thác của mỏ đá này gây bụi mù mịt, nhưng đó không phải điều người dân lo ngại nhất mà là tình trạng nổ mìn phá đá. Tại đây, bất kể ngày nghỉ hay chiều tối, đơn vị khai thác cho nổ mìn phá đá khiến người già, trẻ nhỏ giật mình thon thót vì tiếng kêu đinh tai nhức óc. Cũng theo người dân phản ánh, việc khai thác đá đã làm sập một phần hang Pá Phớ, một trong những điểm được chọn là nơi du lịch nông thôn mới của huyện này.

UBND xã Mường Tè xác nhận giấy phép khai thác mỏ đá Dốc Voi đã hết hạn nhưng dường như bất lực trước sự khai thác trái phép vì thẩm quyền xã cũng chỉ có hạn.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại mỏ đá Nậm Khao thuộc địa bàn xã Nậm Khao của huyện Mường Tè. Công ty TNHH MTV Thái Vấn là đơn vị điều hành mỏ đã cho khai thác một cách bừa bãi, không tuân thủ các quy định về an toàn khi đá khai thác được đổ tràn ra sát tuyến đường từ Nậm Khao đi Tà Tổng. Cùng với đó là việc sử dụng vật liệu nổ khiến người dân đặt câu hỏi có chăng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý tại mỏ đá này?

Còn chính quyền xã, đơn vị trực tiếp giám sát hoạt động mỏ đá trên địa bàn thì không nắm được bất kỳ giấy tờ liên quan cấp phép của đơn vị khai thác.

Đặc biệt, mỏ đá Nậm Khao có 0,11ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất, 2,58 ha chưa có trong quy hoạch sử dụng đất 2021-2030… Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, cả 2 mỏ đá nêu trên vẫn ngang nhiên hoạt động công khai sau các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Mường Tè.

Mỏ đá Dốc Voi khai thác bừa bãi, không tuân thủ quy định pháp luật. Ảnh: H.Đ

Kiểm điểm cá nhân, tập thể để xảy ra khai thác trái phép

Việc quản lý lỏng lẻo các mỏ khai thác khoáng sản tại Lai Châu đã khiến các chủ mỏ “nhờn” luật, dường như chấp nhận chịu phạt để móc tài nguyên thiên nhiên vì lợi nhuận. Số tiền thu lợi được lớn hơn nhiều lần số tiền bị phạt. Vì vậy, tình trạng trên chưa thể chấm dứt khi tỉnh Lai Châu chưa có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn.

Tuy vậy, ngày 3/11/2021, UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản tiếp tục đôn đốc, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh. Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, các tổ công tác tiến hành kiểm tra, xử lý, giải tỏa khai thác khoáng sản trái phép, triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn.

Tuy nhiên, một số địa bàn vẫn xảy ra tình trạng hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản không tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế, cấp phép hoạt động; gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường.

Cụ thể các mỏ: Khai thác khoáng sản vàng gốc khu vực Chinh Sáng, xã Noong Hẻo giáp danh hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ; vàng gốc tại các xã: Nậm Kha Á, Mù Cả, Tà Tổng, Nậm Khao (huyện Mường Tè); vàng sa khoáng thuộc suối Nậm Cười của xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn), xã Bum Nưa (huyện Mường Tè);

Mỏ khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực xã Nậm Khao, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè); mỏ đá đen khu vực xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) và cát sỏi trên các nhánh sông, suối tại các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường…

UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; giải tỏa dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đặc biệt tại các khu vực, vị trí đã thực hiện giải tỏa nhưng còn tái diễn khai thác khoáng sản trái phép phức tạp, kéo dài…

Hải Đăng – Báo Nông Nghiệp

Theo Nông Nghiệp

Ảnh: Mỏ đá Nậm Khao đổ đá xuống tràn xuống lòng sông Đà. Ảnh: H.Đ

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nongnghiep.vn/siet-tinh-trang-khai-thac-khoang-san-trai-phep-d307583.html