Rác thải ‘bí’ đầu ra

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh tỏ ra bị động, lúng túng trong quá trình giải bài toán xử lý rác thải sinh hoạt dẫn đến tình trạng ùn đọng rác tại các điểm tập kết gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Nỗi lo “không mới” của huyện nông thôn mới

Sau gần 1 năm được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chính quyền và người dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vẫn loay hoay với bài toán xử lý rác thải sinh hoạt, kéo theo nhiều hệ lụy khó để huyện đạt chuẩn NTM khắc phục trong ngày một, ngày hai.

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện từ 35 – 45 tấn/ngày. Do không có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt chuẩn nên từ năm 2018 đến nay địa phương phải nhờ các đơn vị trong và ngoài tỉnh xử lý giúp 4.000 tấn rác thải, một khối lượng rất thấp so với lượng rác thải phát sinh trên địa bàn trong thời gian qua.

Ông Thái Sơn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ, cho biết: Ngoài lượng rác thải cũ trước đây, đến nay tại bãi rác Phượng Thành đang tồn đọng hơn 5.000 tấn được thu gom từ thị trấn Đức Thọ và các xã: Tùng Ảnh, Tân Dân, Hòa Lạc, hiện vẫn chưa có phương án để xử lý. Cùng với đó, lượng rác thải phát sinh bình quân từ 25 – 30 tấn/ngày tại 12 xã còn lại đang được vận chuyển về các bãi tập kết tạm thời của các xã nhưng vẫn chưa được xử lý, dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng các điểm tập kết rác thải tại Đức Thọ tồn đọng rác quá lâu, một số người dân vứt rác ra các trục đường, điểm giáp ranh giữa các xã. Mỗi khi lượng rác thải tập kết về nhiều, một số người dân đã mang xăng, dầu đến đốt khiến môi trường lại ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc

Tại huyện Hương Khê, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với quy mô đầu tư hơn 20 tỷ đồng đã được triển khai từ năm 2014, đã hoàn tất thủ tục đầu tư, thậm chí đã tổ chức khởi công nhưng đến nay việc xây dựng nhà máy vẫn bị đình trệ. Kéo theo đó, từ thời điểm năm 2017 đến nay, sau khi bãi xử lý rác thải sinh hoạt tại xứ đồng Trại Lợn, xã Gia Phố (Hương Khê) quá tải buộc phải đóng cửa, công tác thu gom, xử lý rác thải trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với chính quyền và người dân nơi đây.

“Công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp; phải có sự tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia chung tay và trách nhiệm của toàn xã hội, của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội các cấp theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước cấp trên trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện và các bất cập, vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn”. Ông Nguyễn Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh khẳng định.

Từ Thành – Ngô Tuấn – Báo SK&ĐS

Theo Sức khỏe & Đời sống

Ảnh: Hơn 5.000 tấn rác thải đang tồn đọng tại bãi tập kết Phượng Thành (Đức Thọ) chưa có cách xử lý.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://suckhoedoisong.vn/rac-thai-bi-dau-ra-n188445.html