Căn cứ vào Thông tư số: 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng.
Cụ thể, mục V của Thông tư về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng:
1. Thi hài, hài cốt khi mai táng phải được mai táng trong các nghĩa trang theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Mục này.
2. Trường hợp mai táng người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa phải xử lý như sau:
a) Trước khi đặt quan tài xuống huyệt, phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh thành huyệt và đáy huyệt.
b) Trước khi lấp đất, phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột ở xung quanh và trên mặt quan tài.
3. Trường hợp mai táng người chết trong khi ngập lụt phải chọn nghĩa trang hoặc nơi gò đất cao không có nguy cơ ngập nước để mai táng.
4. Trường hợp có người chết với số lượng lớn mà không có điều kiện mai táng theo mộ riêng biệt, có thể tiến hành mai táng theo các mộ tập thể nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Chỉ được tiến hành mai táng các thi hài trong mộ tập thể tại các nghĩa trang hoặc những vị trí đáp ứng được các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng nghĩa trang do Bộ Xây dựng ban hành;
b) Khoảng cách giữa 2 thi hài liền nhau trong mộ tập thể tối thiểu là 50 cm;
c) Nếu sắp xếp các thi hài theo nhiều tầng thì khoảng cách giữa các tầng là 50 cm và phải bố trí các thi hài xen kẽ giữa tầng trên và tầng dưới. Tầng thi hài trên cùng cách mặt đất tối thiểu là 100 cm, đáy huyệt mộ cách mực nước ngầm tối thiểu là 120 cm hoặc 150 cm đối với vùng đất cát;
d) Phải có hệ thống thông khí, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ thoát ra từ mộ tập thể.
5. Thi hài, hài cốt khi hoả táng phải được hoả táng tại các nhà hoả táng đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Mục X của Thông tư này.
Mới đây vào tháng 6/2021, Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định vệ sinh trong mai táng, hỏa táng. Trong đó, Bộ đề xuất quy định vệ sinh trong mai táng, hỏa táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm.
Theo dự thảo, thi hài người chết do dịch bệnh nguy hiểm phải được hỏa táng tại nhà hỏa táng. Chỉ thực hiện mai táng trong một số trường hợp sau: Không có nhà hỏa táng tại tỉnh, hoặc thời gian vận chuyển đến nhà hỏa táng lớn hơn 4 giờ; không thể vận chuyển thi hài đến nơi hỏa táng bằng các phương tiện chuyên dụng.
Khi có người chết do mắc các bệnh dịch nguy hiểm, việc xử lý thi hài phải thực hiện theo các quy định sau: Thông báo ngay cho chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn và tiến hành xử lý thi hài; hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có người chết do nhiễm bệnh dịch nguy hiểm, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý thi hài.
Về việc quàn ướp thi hài, dự thảo nêu rõ: Thời gian quàn ướp thi hài không quá 6 giờ kể từ khi chết hoặc phát hiện thi hài. Tại các hộ gia đình: Thi hài phải được quàn ướp tại nơi thông thoáng ở trong nhà, được phủ kín bằng chăn hoặc vải và phải có người trông coi thường xuyên để bảo vệ thi hài tránh côn trùng, súc vật xâm nhập. Tại nhà tang lễ: Thi hài phải được quàn ướp tại phòng quàn ướp. Không được quàn ướp tại phòng tổ chức tang lễ, ngoại trừ thời gian tổ chức tang lễ. Trường hợp người chết mà không được đưa vào trong nhà ở, nhà tang lễ… thì phải quàn ướp ngay tại nơi phát hiện thi hài.
Về khâm liệm thi hài, theo dự thảo: Thời gian khâm liệm thi hài không quá 7 giờ kể từ khi chết hoặc phát hiện thi hài. Bọc kín thi hài bằng túi đựng thi hài làm bằng vật liệu chống thấm, không trong suốt, chắc chắn, không dễ bị bục/thủng, thành túi có độ dày ≥ 150μm; khóa kéo phải kín và chắc chắn.
Trường hợp không có túi đựng thi hài, bọc kín thi hài bằng 2 lớp vải cotton dày, sau đó bọc kín thi hài bằng 2 lớp nylon; phun khử khuẩn bên ngoài lớp nylon thứ nhất bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính. Thực hiện tương tự với lớp nylon thứ hai. Xử lý toàn bộ các bề mặt khu vực có người chết bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính.
Xử lý vệ sinh tại cơ sở y tế
Dự thảo nêu rõ, khi có người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm các bệnh dịch nguy hiểm tử vong, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh phải thực hiện các nội dung sau: Không bố trí người bệnh khác (kể cả người nhiễm, hoặc nghi ngờ nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm) trong buồng bệnh đang có thi hài. Trường hợp trong buồng bệnh có người bệnh khác thì phải chuyển ngay người bệnh đó sang buồng bệnh khu vực cách ly. Trước khi di dời, bệnh nhân được mặc phương tiện bảo vệ cá nhân.
Tuyệt đối không mang bất cứ vật dụng gì ra khỏi buồng bệnh khi buồng bệnh chưa được phun khử khuẩn lần cuối. Trong khi chờ nhân viên đại thể đến lấy thi hài, nhân viên khoa phòng che phủ thi hài bằng ga trải giường.
Dự thảo nêu rõ, thu gom toàn bộ rác thải, bao gồm đồ vải, vật dụng cá nhân cần thải bỏ của người chết, phương tiện bảo vệ cá nhân và các chất thải phát sinh trong quá trình xử lý thi hài. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng thứ nhất và buộc chặt miệng túi. Sau đó cho túi thứ nhất vào một túi màu vàng thứ hai, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Bên ngoài túi màu vàng thứ hai phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM” và đưa đi xử lý theo quy định…
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ở Việt Nam, địa táng là nghi lễ mai táng phổ biến