Để hạn chế thấp nhất những tác động xấu của thuốc BVTV nhưng vẫn phát huy được hiệu quả phòng, trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp, pháp luật quy định như thế nào?
Luật sư Vũ Viết Năng (Giám đốc Công ty luật Vũ Trình) trả lời xung quanh vấn đề này. Luật sư Năng cho biết: Để người sản xuất có được nguồn thuốc BVTV đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường… Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (Luật BV&KDTV). Trong đó quy định rất chặt chẽ, cụ thể… từ khâu sản xuất, kinh doanh, sử dụng… đến trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương … Bên cạnh đó pháp luật còn quy định chế tài xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng… thuốc BVTV.
Theo quy định của pháp luật, người sản xuất thuốc BVTV phải thực hiện quy định gì, thưa Luật sư?
Để sản xuất thuốc BVTV, cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 61, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Luật BV&KDTV) và được hướng dẫn cụ thể từ Điều 26 đến 29 của Thông tư 21/2015/TT -BNNPTNT.
Một trong những điều kiện đó là: Cơ sở sản xuất thuốc có địa điểm, nhà xưởng, kho thuốc, phải bảo đảm khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi; nhà xưởng phải cách xa trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 500m; phải đảm bảo được các yêu cầu về xử lý ô nhiễm môi trường; phải có tường bao ngăn cách với bên ngoài; có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn…
Bên cạnh đó còn phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 2, Điều 62 của luật này như: Chỉ sản xuất thuốc trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; sản xuất thuốc BVTV phải đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; bồi thường thiệt hại trong trường hợp do lỗi của cơ sở sản xuất; …
Còn đối với người buôn bán thuốc BVTV thì sao?
Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc BVTV phải bảo đảm 3 điều kiện theo quy định tại Điều 63 Luật BV&KDTV, và được cụ thể hóa tại các Điều 32, 33, 34 Thông tư 21/2015/TT – BNNPTNT. Trong đó: Chủ cơ sở buôn bán và người trực tiếp bán thuốc BVTV phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học, hoặc có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV; cửa hàng có diện tích tối thiểu là 10m2, không được nằm trong khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện; phải cách xa nguồn nước tối thiểu 20 mét; không được bán thuốc BVTV chung với các loại hàng hóa là lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y … Bên cạnh đó còn phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2, Điều 64 Luật BV&KDTV như: Chỉ được buôn bán thuốc thành phẩm có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc; bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc BVTV…
Về phía người sử dụng thuốc BVTV, pháp luật quy định phải có trách nhiệm ra sao?
Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc BVTV được quy định tại Khoản 2, Điều 72, Luật BV&KDTV: Người sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc “Bốn đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách); tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái; thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc; chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; phải bảo quản thuốc, thu gom bao gói thuốc sau khi sử dụng để đúng nơi quy định; bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định gây ra…
Nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV thì bị xử lý thế nào?
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sản xuất, kinh danh thuốc BVTV mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính; nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính: Hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm quy định về sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV được quy định tại các Điều 24, 25, 26 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016.
+ Vi phạm quy định sản xuất thuốc BVTV: Mức phạt tiền thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng. Nếu sản xuất thuốc trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng trên 100kg (hoặc 100 lít) thuốc thành phẩm thì sẽ chuyển sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Vi phạm quy định buôn bán thuốc BVTV: Mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng. Nếu buôn bán thuốc trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng trên 50kg (hoặc 50 lít) thuốc thành phẩm thì chuyển sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, hành vi vi phạm trong sản xuất, buôn bán thuốc BVTV còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung; buộc khắc phục hậu quả như tước quyền sử dụng Giấy phép; buộc tiêu hủy thuốc BVTV trong Danh mục cấm…
+ Vi phạm quy định sử dụng thuốc BVTV: Mức thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 đồng; mức cao nhất là 5 triệu đồng; buộc tiêu hủy thuốc trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng, khắc phục ô nhiễm môi trường…
Về xử lý hình sự: Sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cấm sử dụng (có khối lượng nêu trên) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự; sản xuất, buôn bán thuốc BVTV giả có thể bị truy cứu về “tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự.
Theo langmoi.vn