Quy định mới trong Luật BVMT 2020 về giải quyết vấn đề rác thải nhựa

Hai nhóm nội dung lớn được Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tập trung quy định là hạn chế việc phát sinh rác thải nhựa (RTN) và quản lý hiệu quả RTN đã phát sinh.

Hiện nay, rác thải biển có mặt trong tất cả các môi trường sống ở biển với khoảng 8 triệu tấn, tức là khoảng 3% rác thải nhựa (RTN) toàn cầu hằng năm đổ vào môi trường biển và đại dương. Việt Nam đang được xem là một trong những quốc gia có lượng RTN thất thoát ra môi trường khá lớn và đang gây ô nhiễm môi trường, tổn hại cho hệ sinh thái và làm mất mỹ quan của nhiều bãi biển. Luật BVMT năm 2014 không có quy định riêng về quản lý chất thải nhựa nhưng có nhiều quy định liên quan trong quản lý chất thải rắn như quy định về phân loại, thu gom và xử lý các loại chất thải rắn; khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, kiểm soát phế liệu nhập khẩu… tuy nhiên, việc quản lý RTN còn nhiều hạn chế như chưa kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm và phế liệu nhựa, việc thu gom và xử xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn yếu kém… Khắc phục hạn chế này, Luật BVMT năm 2020 tiếp tục kế thừa quy định của Luật BVMT năm 2014 và sửa đổi, bổ sung và quy định mới nhiều nội dung nhằm tăng cường kiểm soát RTN ở nước ta. Hai nhóm nội dung lớn được Luật BVMT năm 2020 tập trung quy định là hạn chế việc phát sinh RTN và quản lý hiệu quả RTN đã phát sinh.

1. Luật BVMT năm 2020 sửa đổi, bổ sung và quy định mới nhiều nội dung nhằm hạn chế việc phát sinh RTN

Giảm việc phát sinh rác thải nhựa ngay từ khâu sản xuất hoặc giảm RTN phát sinh trong chu trình sản xuất, tiêu dùng, nhập khẩu sản phẩm nhựa là một trong những biện pháp mang tính lâu dài và căn bản để giảm phát sinh RTN. Do đó, các biện pháp như thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần, khuyến khích hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm thay thế sản phẩm nhựa và hạn chế nhập khẩu sản phẩm nhựa và phế liệu nhựa từ nước ngoài là những biện pháp đã được Luật BVMT năm 2020 quy định.

Phát triển nền kinh tế tuần hoàn

Lần đầu tiên, kinh tế tuần hoàn được quy định tại Luật BVMT năm 2020. Kinh tế tuần hoàn được quy định là một trong những chính sách của Nhà nước về BVMT, theo đó việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội phải lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn. Luật cũng quy định rõ thế nào là kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan. Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Theo định nghĩa này, các khâu từ thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ bên cạnh mục tiêu giảm nguyên liệu đầu vào thì đều hướng tới việc kéo dài vòng đời sản phẩm. Khi sản phẩm được kéo dài với các hoạt động như tái chế, tái sử dụng khép kín vòng đời của mình thì sẽ không có hoặc rất ít chất thải được phát sinh ra môi trường. Khi nền kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy phát triển, chất thải nhựa cũng sẽ hạn chế phát sinh ra môi trường.

Để bảo đảm phát triền nền kinh tế tuần hoàn, Luật đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan có liên quan. Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Đồng thời để triển khai thuận lợi các quy định này, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

Khuyến khích các hoạt động tái chế,tái sử dụng chất thải nhựa

Bên cạnh các quy định tiếp tục khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sử dụng đối với chất thải nói chung đã được quy định trong Luật BVMT năm 2014, Luật BVMT năm 2020 còn quy định cụ thể về việc tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa nhằm hạn chế phát sinh rác thải nhựa ra môi trường. Ngay trong nguyên tắc BVMT đã khẳng định nguyên tắc tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải. Đồng thời trong chính sách của Nhà nước về BVMT cũng khẳng định chính sách tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải. Riêng đối với rác thải nhựa, Luật BVMT năm 2020 quy định Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

Quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất

Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên đã có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm. Tổ chức, cá nhân này có thể lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong hai hình thức: (1) Tự mình tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; (2) Đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Trường hợp tổ chức, cá nhân lực chọn hình thức đóng góp tài chính thì việc đóng góp, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì; Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại khoản 1 Điều này; Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đã được nhiều nước áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong việc giảm lượng phát sinh rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Đặc biệt, bao bì sản phẩm bằng nhựa ở Việt Nam đang phát sinh RTN quá phổ biến, do đó, thực hiện tốt các quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với việc tái chế rác thải sau khi phát sinh sẽ giảm lượng chất thải nhựa ra môi trường.

Khuyến khích sản phẩm thân thiện với môi trường

Sản phẩm nhựa được thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ giảm nguy cơ phát sinh RTN, đặc biệt là túi ni lông khó phân hủy. Do đó, Luật BVMT năm 2020 đã quy định các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Hạn chế nhập khẩu sản phẩm nhựa và phế liệu nhựa từ nước ngoài

Trong những năm qua, việc nhập khẩu phế liệu nhựa gia tăng, cùng với việc tồn đọng phế liệu nhựa tại các cảng đã gây áp lực rất lớn đến môi trường. Để giải quyết vấn đề này, lần đầu tiên Luật BVMT năm 2020 đã giao Chính phủ quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.Với việc hạn chế này, sản phẩm nhựa khó phân hủy từng bước được hạn chế nhập khẩu vào nước ta, tránh nguy cơ phát sinh rác thải nhựa khó phân hủy.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài đã được quy định tại Luật BVMT năm 2014 và được quy định các điều kiện chặt chẽ hơn nhằm giảm nguy cơ mất kiểm soát đối với phế liệu sau khi nhập khẩu gây hại cho môi trường. Cụ thể, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về BVMT sau đây: (1) Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về BVMT; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu; (2) Có giấy phép môi trường; (3) Ký quỹ BVMT theo quy định trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác; (4) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về BVMT.

2. Luật BVMTnăm 2020 có quy định mới nhằm quản lý hiệu quả RTNđã phát sinh

Quy định mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)

Trong những năm qua, nguồn chất thải rắn rò rỉ ra môi trường lớn nhất là từ CTRSH. Với các hạn chế về nguồn lực để thu gom và xử lý CTRSH, Luật BVMT năm 2020 đã có quy định mang tính đột phá để cải thiện việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt.

Một mặt, Luật quy định các yêu cầu chung của chất thải như chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy; tổ chức, cá nhân vận chuyển CTRSH, phải xử lý có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp… Mặt khác, Luật đã có quy định riêng quản lý CTRSH. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: (1) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (2) Chất thải thực phẩm; (3) CTRSH khác.

Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; Chất thải thực phẩm và CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Luật quy định việc phân loại CTRSH chứa đựng trong các bao bì nhất định theo quy định là phương thức quản lý mới đối với CTRSH. Bao bì này là cơ sở tăng cường quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ: (1) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá; (2) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; (3) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Phương thức và cách tiếp cận mới trong quản lý CTRSH nếu được thực thi hiệu quả hứa hẹn cải thiện tốt công tác quản lý rác thải rắn sinh hoạt, tránh rò rỉ ra môi trường rác thải nhựa như hiện nay.

Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu

Để tăng cường trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với một số loại rác thải có nguy cơ cao đối với môi trường do họ sản xuất hoặc nhập khẩu, Luật BVMT năm 2020 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam; mức đóng góp tài chính được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì để hỗ trợ các hoạt động quy định sau đây (trừ sản phẩm xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm): (1)Thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; (2) Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý CTRSH; (3)Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

Quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan thu gom RTN

Luật BVMT năm 2014 quy định về việc thu gom chất thải rắn nói chung, không có quy định riêng về thu gom rác thải nhựa. Luật BVMT năm 2020 đã có quy định cụ thể về việc thu gom RTN từ các nguồn phát sinh khác nhau. Cụ thể, Luật quy định chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật; chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định; chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.

Ngoài ra, Luật BVMT năm 2020 còn có quy định mới về trách nhiệm thu gom RTN sau khi đã thất thoát vào môi trường để giải quyết thực trạng ô nhiễm RTN trong môi trường. Cụ thể, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, RTN đối với hệ sinh thái.

Tóm lại, Luật BVMT năm 2020 đã có nhiều điểm mới so với Luật BVMT năm 2014, cụ thể là các quy định liên quan đến vấn đề RTN. Một mặt, Luật đã chú trọng quy định mới, sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật BVMT năm 2014 với các phương pháp tiếp cận mới để giải quyết vấn đề RTN phát sinh như công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; thu gom, xử lý RTN đã rò rỉ vào môi trường. Mặt khác, Luật đã quy định nhiều nội dung mang tính cách mạng để phòng ngừa và giảm thiểu việc phát sinh RTN ngay từ khâu sản xuất, nhập khẩu như: thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, khuyến khích hoạt động tái chế, tái sử dụng, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế nhập khẩu sản phẩm nhựa, phế liệu nhựa. Thực hiện hiệu quả các quy định này sẽ mang đến một bước tiến mới trong công tác quản lý RTN, BVMT, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Phạm Thị Gấm

Vụ Chính sách và Pháp chế

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Theo Tạp chí Môi trường

Ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) chăm sóc vườn hoa làm từ sản phẩm nhựa tái chế

Xem bài viết gốc tại đây:

http://tapchimoitruong.vn/phap-luat–chinh-sach-16/quy-dinh-moi-trong-luat-bao-ve-moi-truong-nam-2020-nham-giai-quyet-van-de-rac-thai-nhua-25756