Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Chính phủ mới ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm 04 Chương, 63 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2021.
Phạm vi điều chỉnh:
Quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối tượng áp dụng :
1. Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan.
2. Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
3. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm:
a) Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
c) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư;
d) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
đ) Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
e) Các đơn vị sự nghiệp công lập;
g) Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
4. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.
Các điều khoản chuyển tiếp trong triển khai thi hành được quy định tại Điều 61 của Nghị định gồm:
– Đối với các hành vi vi phạm hành chính đã được lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì xử phạt theo Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính của Nghị định này có quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì xử phạt theo Nghị định này.
– Đối với các hành vi vi phạm hành chính được thực hiện hoặc phát hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì xử phạt theo quy định của Nghị định này.
– Đối với các hành vi vi phạm hành chính đã được lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính của Nghị định này có quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì xử phạt theo Nghị định này./.
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Xử phạt nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Ảnh minh hoạ