Quảng Ngãi: DN chú trọng bảo vệ môi trường

(Phapluatmoitruong.vn) – Gần đây, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và phát triển vùng nguyên liệu mì, bảo vệ môi trường.

Mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thời tiết bất lợi, đồng thời nhiều mặt hàng vận chuyển, xuất khẩu bị hạn chế, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (Công ty NSTP Quảng Ngãi) vẫn ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân và kinh doanh có lãi. Đặc biệt, Công ty đã chú trọng đầu tư trên hàng chục tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị để lắp đặt hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.

Trước đây, một số nhà máy sản xuất tinh bột mì gây ô nhiễm môi trường là do chưa đầu tư các thiết bị xử lý nước thải một cách đồng bộ. Một số bể lắng, hệ thống sục khí chưa hoàn thiện. Do đó, khi nhà máy hoạt động với công suất lớn thì mùi hôi thối của quá trình chế biến tinh bột mì sinh ra từ bể lắng cặn và tách protein từ bể kỵ khí bậc I là rất lớn. Lượng khí thải phát tán vào bầu khí quyển một lượng lớn các khí gây hiệu ứng nhà kính. Hiệu suất phân hủy từ các hồ sinh học không cao nên việc xử lý sau kỵ khí rất khó khăn. Từ đó xảy ra hiện tượng quá tải của hồ kỵ khí, nước thải đầu ra tại cống thoát vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất tinh bột mì.

Theo quan sát của PV tại hai nhà máy mì Tịnh Phong và Sơn Hải, hiện hệ thống sục khí, bể lắng bùn và hầm biogas đã được đầu tư đồng bộ, đảm bảo trước khi lượng nước thải từ nhà máy đưa ra ngoài được xử lý triệt để, đạt tiêu chuẩn A, B theo quy định. Hệ thống xử lý chất thải, nước thải tại các nhà máy cũng được Công ty gắn các camera quan trắc, thường xuyên theo dõi, xử lý sự cố kịp thời.

Theo ông Trần Ngọc Hải – TGĐ Công ty NSTP Quảng Ngãi, trước đây, các nhà máy sản xuất tinh bột mì luôn là nỗi ám ảnh đến nhức nhối về tình trạng ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, đến nay, tình trạng này đã được giải quyết một cách triệt để. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, Công ty luôn chú trọng đầu tư lĩnh vực an toàn môi trường, trong đó đã bố trí kinh phí trung bình hàng năm khoảng 10 tỷ đồng cho mỗi nhà máy để hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường. 

Đó là kết quả của “Hệ thống xử lý nước thải theo cơ chế phát triển sạch” do tập thể kỹ sư của Công ty nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn. Hệ thống này không chỉ được lắp đặt cho các nhà máy của Công ty trải dài ở các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Tây Ninh… mà còn được lắp đặt cho các nhà máy sản xuất tinh bột mì khác ở các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

“Hệ thống xử lý nước thải theo cơ chế phát triển sạch” nhằm mục đích: Tăng khả năng xử lý nước thải, giảm thiểu tối đa ô nhiễm do quá trình xử lý nước thải gây ra, góp phần đáp ứng yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mặt khác, hệ thống này còn có khả năng thu hồi khí biogas để đốt lò, thay thế cho đốt than cấp nhiệt cho công đoạn sấy khô sản phẩm (tinh bột mì), nhờ đó giảm được giá thành sản phẩm” – Ông Hải khẳng định.

Có thể nói, hiệu quả về kinh tế – xã hội của “hệ thống xử lý nước thải theo cơ chế phát triển sạch” trong quá trình sản xuất tinh bột mì mang lại là điều rất dễ dàng nhận thấy. Tuy vậy, cơ chế hoạt động của hệ thống này cũng không mấy phức tạp và có giá thành thấp.

 

Nhà máy chế biến tinh bột mì Tịnh Phong, Quảng Ngãi.

Trước hết, toàn bộ mặt hồ chứa nước thải của nhà máy sản xuất tinh bột mì được phủ bạt theo nguyên tắc kỵ khí, lắp đặt đường ống bên trong bạt phủ để thu hồi khí biogas sinh ra trong quá trình phân giải chất hữu cơ trong nước thải. Do tính chất của nước thải tinh bột mì là thời gian lên men diễn ra nhanh nên thiết kế bể lắng và lên men sơ bộ với mục đích chính là lắng các tạp chất đất, cát và một phần vỏ lụa lớn, đồng thời lên men sơ bộ nước thải.

Nước thải sau khi lắng tạp chất và lên men sơ bộ được bơm phân phối nước thải vào bể CIGAR (hệ thống xử lý nước thải bằng giải pháp Bể CIGAR (Cover In Ground Anaerobic Reactor). Hệ thống đường ống phân phối được thiết kế với 5 cửa phân phối nước vào bể CIGAR, trên các đường ống phân phối có lắp các van để điều tiết lưu lượng nước thải khi cần thiết.

Phát triển vùng nguyên liệu mì ở xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi.

Quá trình vận hành của hệ thống tại Nhà máy sản xuất tinh bột mì Sơn Hải cho thấy, cứ mỗi ngày Nhà máy sản xuất khoảng 75 tấn sản phẩm sẽ thải ra 2.400 m3 nước thải. Toàn bộ lượng nước thải này đưa vào bể chứa CIGAR sẽ tạo ra trên 10.300 m3 khí biogas. Toàn bộ lượng khí biogas này được thu hồi và chứa trong bể CIGAR để cấp cho đốt lò sấy sản phẩm. Việc thu hồi, lưu trữ và sử dụng biogas để đốt lò thay thế cho than đã làm giảm thiểu đáng kể các tác động môi trường. 

                                                                   Minh Trí

                                                (Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Một trong những nhà máy chế biến mì của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường.