Quản lý tài nguyên khoáng sản tại Quảng Ngãi còn nhiều bất cập

Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong công tác cấp phép khai thác khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản,… giai đoạn 2017 – 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-KTNN ngày 16/2/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) về việc kiểm toán Chuyên đề quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2017 – 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đoàn KTNN thuộc KTNN khu vực III đã tiến hành kiểm toán Chuyên đề quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2017 – 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ ngày 22/2/2022 đến ngày 22/4/2022.

Nội dung kiểm toán tập trung đánh giá công tác quản lý, cấp phép thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; việc tuân thủ pháp luật về quản lý thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản; bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tại các địa phương; ban hành các quy định của địa phương trong hoạt động tài nguyên khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; thực hiện quy hoạch, công tác bảo vệ môi trường; đánh giá việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản.

Kết quả kiểm toán đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 – 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhất là trong việc khoanh định khu vực không đấu giá; việc thăm dò, phê duyệt trữ lượng; việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản và việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Khoanh định khu vực không đấu giá và thăm dò khoáng sản

Theo KTNN, địa phương đã không tổ chức khoanh định khu vực không đấu giá đối với cát, sỏi lòng sông, nhưng cấp phép khai thác không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khoanh định các khu vực không đấu giá đối với đá làm vật liệu xây dựng và đất san lấp thiếu căn cứ; cấp Giấy phép khai thác nhưng không tổ chức đấu giá không đúng quy định của Luật Khoáng sản.

Cụ thể, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho 21 mỏ cát khi chưa thực hiện khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là không đúng quy định của Luật Khoáng sản; làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 59,864 tỷ đồng.

Trong 21 mỏ cát trên, có 15 khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng thông thường được Sở TN&MT căn cứ vào Điều 19 Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi (Các mỏ cát được quy hoạch khai thác cung cấp cho các công trình, dự án cụ thể thì không tổ chức đấu giá quyền khai thác) để tham mưu cấp giấy phép khai thác không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn chưa được thực hiện đúng các quy định của luật Khoáng sản, nhất là các khu vực phải thực hiện đấu giá nhưng địa phương không tổ chức, dẫn đến cấp giấy phép kinh doanh tại 21 khu vực cát, sỏi lòng sông không đúng quy định; trong việc ủy quyền cho các huyện, thành phố tổ chức đấu giá và cấp phép khai thác không đúng thẩm quyền; tổ chức đấu giá các khu vực khoáng sản nhưng không phê duyệt kế hoạch không đúng quy định.

Qua kiểm toán, KTNN phát hiện tình trạng này diễn ra ở 5 mỏ đá làm vật liệu xây dựng (chưa cấp giấy phép khai thác) và 113 mỏ đất làm vật liệu san lấp (trong đó có 38 mỏ đã cấp giấy phép khai thác, đang khai thác; 7 mỏ đã cấp giấy phép khai thác nhưng chưa khai thác; 68 mỏ chưa cấp giấy phép khai thác).

Sở TN&MT chưa chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo kết quả thăm dò; chưa thực hiện giám sát thi công đề án thăm dò khoáng sản; chưa kiểm tra thực địa khu vực thăm dò khoáng sản để làm cơ sở cho việc kiểm tra báo cáo trữ lượng khoáng sản; chưa lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia theo quy định của Chính phủ; chưa tham mưu, trình UBND tỉnh xác nhận trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác 2 mỏ đá; …

Thẩm định phê duyệt trữ lượng khoáng sản

Tại kết quả kiểm toán, KTNN cho biết, công tác thẩm định phê duyệt trữ lượng khoáng sản không tuân thủ các quy định của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ; chưa phê duyệt trữ lượng đối với khoáng sản có ích, khoáng sản đi kèm; phê duyệt thiếu trữ lượng đưa vào thiết kế khai thác. Việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn không tuân thủ các quy định của Nghị định của Chính phủ.

Công tác quản lý nguồn thu ngân sách và công tác phối hợp, chống thất thu và thu hồi nợ thuế giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời và chưa đảm bảo quy định; công tác thanh, kiểm tra còn trường hợp xử lý chưa đầy đủ, chưa đúng hành vi vi phạm, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại 21 doanh nghiệp còn chưa chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản, nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao trong quản lý, kiểm tra, giám sát và chưa có biện pháp xử lý kịp thời hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xử lý theo qui định của pháp luật về khoáng sản.

Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự kiểm tra, giám sát để xảy ra các sai phạm làm lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính chưa được thu đúng, thu đủ và chưa kịp thời vào ngân sách Nhà nước là thuộc trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh; buông lỏng trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm công vụ của Sở TN&MT, cơ quan Thuế cần phải được làm rõ để chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian đến. Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Quản lý việc chuyển nhượng giấy phép khai thác, đóng cửa mỏ

Tại kết quả kiểm toán của KTNN, có 4 trường hợp được chuyển nhượng giấy phép khai thác khoáng sản nhưng hồ sơ chưa đảm bảo quy định; 3 trường hợp trên giấy phép khai thác khoáng sản trước và sau chuyển nhượng không thống nhất là công suất khai thác theo khoáng sản nguyên khai, nguyên khối hay công suất theo sản phẩm; 1 trường hợp không ghi rõ công suất khai thác theo khoáng sản nguyên khai, nguyên khối hay công suất theo sản phẩm.

Có 3 trường hợp giải quyết hồ sơ còn chậm thời gian quy định; 2 trường hợp quy đổi khối lượng đá nguyên khai đã khai thác ra khối lượng địa chất không có căn cứ pháp lý dẫn đến việc xác đinh trữ lượng khoáng sản còn lại của đơn vị nhận chuyển nhượng được tiếp tục khai thác chưa chính xác.

Hai trường hợp có Hợp đồng chuyển nhượng nhưng không kèm theo bảng kê giá trị tài sản chuyển nhượng; 2 trường hợp được chuyển nhượng nhưng không tiến hành kiểm tra tọa độ, diện tích khu vực đề nghị chuyển nhượng.

Ngoài ra, trong công tác quản lý, việc cấp giấy phép và cho phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản xuất hiện tình trạng cấp không đúng thẩm quyền; cấp giấy phép sau chuyển nhượng nhưng không chấm dứt hiệu lực giấy phép trước đó. Thời hạn thuê đất và khai thác theo giấy phép cấp lại sau chuyển nhượng ít hơn 4 năm so với giấy phép được chuyển nhượng là không phù hợp.

Công tác đóng cửa mỏ khoáng sản cũng có nhiều tồn tại, sai sót. Theo KTNN, 71 giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ, kéo dài qua nhiều năm.

Đáng chú ý, có 4 giấy phép đã hết hiệu lực, đã nộp đủ hồ sơ, quá thời gian quy định nhưng Sở TN&MT chưa tổ chức thẩm định Đề án đóng cửa mỏ; 45 giấy phép đã chấm dứt hiệu lực nhưng không lập Đề án, không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ, phía Sở TN&MT chưa tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính; chậm tổ chức thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản của 1 trường hợp; chậm thu hồi và chấm dứt hiệu lực (đã quá thời hạn 60 ngày) đối với 1 giấy phép khai thác.

Bên cạnh đó, KTNN phát hiện 26 giấy phép khai thác khoáng sản đã thực hiện đóng cửa mỏ, đã được UBND tỉnh ban hành quyết định đóng cửa mỏ nhưng không lập Đề án đóng cửa mỏ.

Ngoài ra, KTNN còn chỉ rõ 2 trường hợp, hệ tọa độ khu vực khai thác tại giấy phép khai thác khoáng sản khác với quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản; 5 trường hợp, đơn vị khai thác khoáng sản nộp hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản chậm thời gian theo quy định.

Đoàn kiểm toán của KTNN kiến nghị xử lý tài chính, số tiền 28.228.801.523 đồng, trong đó: Thuế tài nguyên, số tiền 1.589.675.651 đồng; Phí bảo vệ môi trường, số tiền 645.889.706 đồng; Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, số tiền 25.991.977.283 đồng; Thuế GTGT, số tiền 1.258.882 đồng; Kiến nghị xử lý khác, số tiền 92.668.802 đồng.

Đồng thời, Đoàn kiểm toán kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Quang Thành – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Nhiều bất cập trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh minh họa: TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

http://daidoanket.vn/quan-ly-tai-nguyen-khoang-san-tai-quang-ngai-con-nhieu-bat-cap-5706139.html