Phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt mới nhất 2022

Ngày 18/6/2021 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 44/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/8/2021 và thay thế cho Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT và Thông tư số 88/2012/TT-BTC

Nước sạch không chỉ là lĩnh vực độc quyền tự nhiên mà nó còn làm mặt hàng tối cần thiết đối với cuộc sống của người dân, do đó Nhà nước vẫn phải định giá nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng vị thế độc quyền để định giá bất hợp lý, làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

Nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng cao ở cả khu vực đô thị và nông thôn, phù hợp với công nghệ xử lý nước ngày càng hiện đại và việc cải tiến trong công tác quản lý vận hành của doanh nghiệp, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2021, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 44/2021 quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 5/8/2021

tm-img-alt

Một số điểm mới của Thông tư 44:

1. Bổ sung mới 2 khoản mục là Chi phí tài chính và Chi phí đảm bảo cấp nước an toàn.Trong đó, Chi phí tài chính: là chi phí trả lãi các khoản vay, lỗ chênh lệch tỷ giá (nếu có) liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh nước sạchChi phí đảm bảo cấp nước an toànlà những khoản chi phí phục vụ các hoạt động nhằm giảm thiểu, loại bỏ, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn cấp nước từ nguồn nước qua các công đoạn thu nước, xử lý, dự trữ và phân phối đến khách hàng sử dụng nước.

2. Nội dung chi phí sản xuất nước sạch không phân biệt cho khu vực đô thị hay nông thôn. Mặt khác, tại khoản 3, Điều 9 của Thông tư số 44/2021/TT-BTC có quy định “Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có chính sách hoặc cơ chế điều hòa về mức giá nước sạch của đơn vị cấp nước cung cấp nước sạch đồng thời tại khu vực đô thị và nông thôn để đảm bảo hài hòa giá nước sạch giữa các khu vực”.

3. Lợi nhuận định mức là giá trị tuyệt đối thay cho tỷ lệ tối thiểu 5% như trước đây. Cụ thể, đơn vị cấp nước chỉ cấp nước khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn thì lợi nhuận tối đa tối đa 1.300đ/m3, cấp nước đồng thời cho cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn tối đa 1.500đ/m3(nội dung này đảm bảo lợi nhuận cho một số hệ thống cấp nước có công suất nhỏ; khuyến khích các đơn vị cấp nước đô thị mở rộng mạng cấp nước cho khu vực nông thôn).

Về những điểm mới của Thông tư, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng cho biết:

Thông tư 44 được ban hành để sửa đổi, bổ sung thay thế 2 thông tư đó là Thông tư số 88/2012 của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 75/2012 của 3 Bộ: Tài chính, Xây dựng và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là sự kết hợp hợp lý vì trong 2 thông tư cũ có nhiều nội dung liên quan chặt chẽ với nhau.

Thông tư 44 khẳng định và hướng dẫn rõ hơn cụ thể hơn nguyên tắc xác định giá nước nhằm tạo ra các điều kiện, cơ hội về pháp luật để các doanh nghiệp ngành nước thực hiện được nguyên tắc bảo đảm tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình từ khai thác, sản xuất, phân phối đến tiêu thụ và có lợi nhuận… Thông qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chí phí, thất thoát… đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Thông tư bổ sung thêm 2 chi phí mới đó là chi phí tài chính và chi phí đảm bảo cấp nước an toàn. Đồng thời các chi phí trong Thông tư mới này được giải thích rõ hơn, đầy đủ hơn và dễ hiểu hơn. Một điểm mới là, trong Thông tư này, nội dung chi phí sản xuất không phân biệt cho khu vực đô thị hay nông thôn như trong Thông tư số 75.

Lợi nhuận định mức đã bỏ tỷ lệ tối thiểu 5% mà thay vào đó là con số tuyệt đối (tại khoản 1 Điều 8 quy định: Lợi nhuận định mức đưa vào phương án giá nước sạch của đơn vị cấp nước chỉ cấp nước khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn tối đa 1.300 đ/m3… cấp nước đồng thời cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn tối đa 1.500 đ/m3..).

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, thống nhất giá bán lẻ nước sạch theo các đối tượng sử dụng nước. Thông tư liên tịch số 75/2012 có sự chồng chéo giữa đối tượng sử dụng và mục đích sử dụng.

Về lộ trình điều chỉnh giá nước, mặc dù đã giao cho UBND cấp tỉnh lựa chọn quyết định lộ trình điều chỉnh giá nhưng Thông tư 44/2021 đã khống chế với thời gian tối đa là 5 năm. Qua đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương quan tâm hơn về giá nước này

“Mặc dù vẫn còn một vài điểm bất cập nhưng về tổng thể Thông tư số 44/2021 lần này tiến bộ hơn, nhiều bất cập bước đầu được giải quyết, quan trọng là tổ chức thực hiện. Theo tôi, thành công hay không là ở khâu này. UBND cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Mong rằng sự vào cuộc của UBND cấp tỉnh, của các cơ quan có liên quan và sự đồng thuận của nhân dân, Thông tư số 44/2021 đi vào cuộc sống góp phần bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước… chất lượng nước sẽ được nâng cao và chất lượng dịch vụ sẽ được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của người dân” PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ./.

Luật Đồng

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)