Theo Điều 126, Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14 được Quốc hội Khóa 14 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ 01/01/2022 về Phục hồi môi trường sau sự cố môi trường
Theo Điều 126, Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14 được Quốc hội Khóa 14 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ 01/01/2022 về Phục hồi môi trường sau sự cố môi trường
1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở gây ra sự cố môi trường phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố môi trường có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động phục hồi môi trường.
2. Việc phục hồi môi trường sau sự cố môi trường cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia được thực hiện như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp huyện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp tỉnh; trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường;
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp quốc gia; trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường.
3. Nội dung kế hoạch phục hồi môi trường bao gồm:
a) Mô tả, đánh giá hiện trạng môi trường sau sự cố gồm mức độ, phạm vi, tính chất ô nhiễm môi trường của từng khu vực; hiện trạng môi trường, mặt bằng, hệ sinh thái trước khi có sự cố môi trường (nếu có); yêu cầu xử lý môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh, khôi phục mặt bằng, phục hồi một số đặc điểm chính của hệ sinh thái;
b) Các giải pháp phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường;
c) Danh mục, khối lượng các hạng mục phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn;
d) Kế hoạch thực hiện; phân chia kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn phục hồi môi trường; chương trình quản lý, quan trắc, giám sát trong thời gian phục hồi môi trường; kế hoạch nghiệm thu kết quả phục hồi môi trường.
4. Việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu hoàn thành kế hoạch phục hồi môi trường quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường tự mình thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; cơ quan phê duyệt kế hoạch có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc phục hồi môi trường theo kế hoạch đã được phê duyệt;
b) Trường hợp cơ quan phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện kế hoạch thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có quyền tham gia giám sát, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu hoàn thành việc phục hồi môi trường.
5. Việc phục hồi môi trường sau sự cố môi trường phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh.
6. Cơ quan phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường có trách nhiệm công bố kết thúc giai đoạn phục hồi môi trường cho cộng đồng dân cư, cơ quan báo chí, truyền thông.
7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này./.
LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh Nguyễn Ngọc Phúc.