Ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Quan điểm của Chính phủ trong đề án này đó là: Bám sát các chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), phát triển kinh tế số, chuyển đổi số.
Lấy khách hàng làm trung tâm gắn liền với việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; gia tăng trải nghiệm của khách hàng, tăng trưởng cao về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán là thước đo hiệu quả của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Đề án ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; xây dựng hệ sinh thái thanh toán số dựa trên triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thanh toán với các hệ thống thuộc các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng các mô hình, các thành tựu, kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực thanh toán vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Đề án được Chính phủ phê duyệt xây dựng nhằm đạt các mục tiêu chung: Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.
Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Chính phủ đặt nhiều mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt: Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 – 25%/năm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 – 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 – 100%/năm; Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 – 40%/năm. Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Riêng đối với dịch vụ công, phấn đấu từ 90 – 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90 – 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Để đạt được các mục tiêu trên, đề án đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0; Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; Tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được sử dụng từ các nguồn: tài trợ, ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tổ chức triển khai, theo dõi thực hiện các giải pháp trong Đề án, hằng năm tổng hợp tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết vào cuối năm 2025.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào các chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm triển khai kịp thời và hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao của Đề án này; lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành, địa phương mình. Tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Đề án ban hành kèm theo Quyết định này. Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm có báo cáo kết quả thực hiện gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hà Thắm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh hoạ. ITN