Săn bắn thú rừng là hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Tùy theo giá trị và mức độ quý hiếm của loài vật bị săn bắt, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã ở quy mô thương mại xuất hiện rại Việt Nam từ những năm cuối thập kỷ 80, khi đất nước đổi mới và mở cửa, dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, giao thông đi lại thuận lợi, thương mại quốc tế ngày càng mở rộng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng buôn bán các loài hoang dã. Hơn nữa, thu nhập của người dân tăng lên cũng là lúc tầng lớp giàu có bắt đầu có điều kiện mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ, bao gồm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng từ sản phẩm của các loài hoang dã…
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua cho thấy các đối tượng buôn bán trái pháp luật ĐVHD thường sử dụng các thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của các cơ quan chức năng. Các đường dây phạm tội, băng nhóm phạm tội xuyên quốc gia được thành lập và tổ chức hoạt động chặt chẽ với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất để tiến hành việc mua bán, vận chuyển ĐVHD, các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, cá thể hổ từ nước ngoài vào Việt Nam để tiêu thụ hoặc trung chuyển sang các nước thứ ba… Các thủ đoạn che giấu, cất giấu trong thùng hàng, container được miễn kiểm tra xác suất; để lẫn với hàng hóa cồng kềnh khác như gỗ, thực phẩm; hợp pháp hóa giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc ĐVHD hoặc sản phẩm của ĐVHD; sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi theo quy ước riêng; sử dụng phương tiện vận chuyển được thay biển số giả, dùng xe công vụ để vận chuyển… nên rất khó khăn phát hiện, điều tra đối với loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tội phạm này cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế; vì vậy việc nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và thực tiễn áp dụng xử lý là cần thiết để đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến ĐVHD.
Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề trên, từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn tệ nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD. Điều 234 BLHS về tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” là tội danh mới được quy định tại BLHS năm 2015 nhằm thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về bảo vệ ĐVHD…
Săn bắn thú rừng là hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Tùy theo giá trị và mức độ quý hiếm của loài vật bị săn bắt, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người săn bắn thú rừng trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội là: Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã tại Điều 234 hoặc Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015.
Đây là tội danh mới được quy định tại BLHS năm 2015 nhằm thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về bảo vệ ĐVHD. So với BLHS 1999 thì BLHS 2015 đã cụ thể hóa về số lượng, khối lượng, giá trị tang vật hoặc mức tiền thu lợi bất chính nên đã tạo được thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hình sự và định khung hình phạt.
Trong đó, căn cứ Điều 2 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP:
– Động vật hoang dã quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật rừng thông thường và các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II, Phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
– Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Theo Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người phạm tội sẽ phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi:
– Săn bắt trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150 đến dưới 500 triệu đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300 đến dưới 700 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 200 triệu đồng…
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi săn bắn động vật hoang dã, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Nếu sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; vận chuyển, buôn bán qua biên giới; thu lợi bất chính từ 200 đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 – 07 năm.
Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 – 12 năm nếu động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá 01 tỷ đồng trở lên hoặc của động vật hoang dã khác trị giá 1,5 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.
Với tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Phạt tiền từ 500 triệu – 02 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm nếu:
– Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
– Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác…
– Săn bắt động vật có số lượng dưới mức quy định trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Phạt tù từ 05 – 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
– Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác…
– Từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác; từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ…
– Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm…
Đặc biệt, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 – 15 năm nếu: có từ 03 cá thể voi, tê giác trở lên; 06 cá thể gấu, hổ trở lên; Ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên…
Hình phạt bổ sung của tội này là phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)