Ngày 01/12/2022, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 1179/QĐ-BXD về việc phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn diện các mặt công tác của Bộ Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ phân công; những công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ và Bộ trưởng được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực: Công tác xây dựng Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; công tác xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của ngành Xây dựng; các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ; tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Chính phủ và Quốc hội; công tác kế hoạch, chương trình công tác của Bộ; công tác đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; công tác tổ chức cán bộ; tổ chức bộ máy; quản lý công chức; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; công tác quốc phòng, anh ninh; công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác thi đua – khen thưởng; Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Xây dựng; Chủ tịch Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng; Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch – Kiến trúc Bộ Xây dựng; Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ Xây dựng; Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, Bộ trưởng còn trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Thanh tra Bộ.
Theo dõi, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng đối với các địa phương: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: Quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở, công sở; quản lý nhà nước về thị trường bất động sản; quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng; công tác pháp chế; công tác y tế ngành Xây dựng; công tác cải cách hành chính của Bộ Xây dựng; công tác thông tin, thống kê, lưu trữ tài liệu, số liệu về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; chương trình công nghệ thông tin ngành Xây dựng; chỉ đạo chung về công tác đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ; chỉ đạo chung về công tác quản lý tài chính, tài sản trong các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng; phụ trách chung về công tác phát triển nguồn nhân lực của Bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khối cơ quan Bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và chuyên môn đô thị các cấp; giúp Bộ trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ Người phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của Bộ Xây dựng; giúp Bộ trưởng trong việc chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng – an ninh; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền; công tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; triển lãm và quảng bá công nghệ, sản phẩm của ngành Xây dựng; công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Bộ Xây dựng; công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Xây dựng; chỉ đạo các chương trình xóa đói giảm nghèo của ngành Xây dựng; trực tiếp giúp Bộ trưởng theo dõi công tác hành chính, công tác văn phòng, lề lối làm việc của khối cơ quan Bộ; công tác xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong hoạt động của cơ quan Bộ; Chủ tịch Hội đồng lương Cơ quan Bộ; Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Xây dựng; Thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Xây dựng; tham gia các Ban Chỉ đạo nhà nước, tổ chức phối hợp liên ngành khác liên quan đến các lĩnh vực phụ trách theo sự phân công của Bộ trưởng.
Theo dõi, chỉ đạo hoạt động các đơn vị thuộc Bộ, gồm: Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Vật liệu xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Viện Vật liệu xây dựng, Trung tâm Thông tin; các trường: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề trực thuộc Bộ; các đơn vị sự nghiệp y tế.
Theo dõi, phụ trách công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng đối với các địa phương: Các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế); các tỉnh Duyên hải miền Trung (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên (gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng).
Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ trưởng phân công.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: Quản lý nhà nước về kinh tế xây dựng; công tác hợp tác quốc tế ngành Xây dựng; công tác truyền thông của Bộ; chỉ đạo hoạt động khối doanh nghiệp; công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp và thực hiện quyền, nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Bộ; thực hiện nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa các Công ty mẹ – Tổng công ty do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; công tác quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng quan trọng, các công trình trọng điểm quốc gia do Bộ Xây dựng là chủ đầu tư; công tác quản lý kinh tế xây dựng tại các dự án đầu tư xây dựng quan trọng, các công trình trọng điểm quốc gia; các công việc có liên quan tới quản lý nhà nước của ngành đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp; phụ trách chung về hiệp hội, hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; phụ trách chung về công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư; phụ trách chung về dự án ODA; công tác thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí; công tác thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng đối với Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng; tham gia các Ban Chỉ đạo nhà nước, tổ chức phối hợp liên ngành khác liên quan đến các lĩnh vực phụ trách theo sự phân công của Bộ trưởng.
Theo dõi, chỉ đạo hoạt động các đơn vị thuộc Bộ, gồm: Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Kinh tế xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng, Báo Xây dựng, Tạp chí xây dựng, Nhà Xuất bản Xây dựng, Ban Quản lý dự– án Đầu tư xây dựng chuyên ngành và các doanh nghiệp trực thuộc Bộ.
Theo dõi, phụ trách công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng đối với các địa phương: Các tỉnh, thành Nam Bộ (gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).
Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ trưởng phân công.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn thay mặt Bộ trưởng, chỉ đạo, điều hành công việc của Bộ theo ủy quyền của Bộ trưởng khi Bộ trưởng vắng mặt.
Giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng; Quản lý nhà nước lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị, quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng (không bao gồm lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế xây dựng); công tác khoa học công nghệ ngành Xây dựng; công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng; công tác tiết kiệm năng lượng ngành Xây dựng; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Xây dựng; công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện nhiệm vụ Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn Bộ Xây dựng; ý kiến của Bộ Xây dựng về việc thành lập doanh nghiệp nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam; tham gia ý kiến về việc doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đăng ký hoạt động đầu tư ở nước ngoài; phụ trách chung công tác xây dựng, bổ sung, điều chỉnh hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng; thực hiện nhiệm vụ: Ủy viên Ban chỉ đạo nhà nước, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo tại công trình trọng điểm quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thường trực Hội đồng khoa học công nghệ Bộ Xây dựng; tham gia các Ban chỉ đạo nhà nước, tổ chức phối hợp liên ngành khác liên quan đến các lĩnh vực phụ trách theo sự phân công của Bộ trưởng.
Theo dõi, chỉ đạo hoạt động các đơn vị thuộc Bộ, gồm: Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Cục Phát triển đô thị, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Quy hoạch xây dựng Miền Nam, Viện Kiến trúc quốc gia, Viện Khoa học công nghệ xây dựng.
Theo dõi, phụ trách công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng đối với địa phương: Các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc (gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu); các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (gồm: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình).
Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ trưởng phân công.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2022 và thay thế Quyết định số 699/QĐ-BXD ngày 07/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ.
Ngày 8/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 52/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Như vậy, đây là cơ quan thứ hai thuộc Chính phủ có quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, sau Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng gồm 19 đơn vị: Vụ Quy hoạch – Kiến trúc; Vụ Vật liệu xây dựng; Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Thanh tra; Cục Kinh tế xây dựng; Cục Quản lý hoạt động xây dựng; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Cục Phát triển đô thị; Cục Hạ tầng kỹ thuật; Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản; Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; Báo Xây dựng; Tạp chí Xây dựng; Trung tâm Thông tin. Như vậy, so với cơ cấu tổ chức được quy định tại Nghị định 81/2017/NĐ-CP, Bộ Xây dựng bớt đi 6 đơn vị gồm 2 đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước là Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục Công tác phía Nam; 4 đơn vị là các viện gồm Viện Kinh tế xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện Kiến trúc quốc gia, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia. |
Luật Đồng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)