Những quy định mới liên quan đến chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Ngày 3/6/2022, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm “chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Toạ đàm thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, các công ty môi trường cùng các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội.

Tại toạ đàm, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến các quy định liên quan đến chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo các chuyên gia môi trường có 9 điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) mới, đó là: Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn; định hướng cách thức quản lý chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Hiện nay tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rác thải được xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, hơn nữa rác thải chưa được phân loại khi đem chôn lấp. Để khắc phục tình trạng này Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần khuyến khích người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn.

Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn điều 79 trong Luật BVMT 2020. Vì trong điều 79 viện dẫn nhiều nội dung quy định trong điều 75 cho nên chúng tôi xin trích điều 75 và điều 79 để quý bạn đọc theo dõi.

Điều 75. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt

1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;

b) Chất thải thực phẩm;

c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

3. Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

b) Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

4. Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:

a) Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;

b) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

c) Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

d) Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

5. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Điều 79. Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:

a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;

b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;

c) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 75 của Luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.

3. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng nhỏ theo quy định của Chính phủ được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 của Luật này hoặc quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng lớn theo quy định của Chính phủ phải chuyển giao cho cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải có chức năng phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển có phương tiện, thiết bị phù hợp để vận chuyển đến cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn có chức năng phù hợp.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

7. Quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 75 của Luật này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Điều 58 của Nghị định 08 đã có những thông tin chi tiết và cơ sở kinh doanh khi có phát sinh chất thải thì xử lý thế nào; cơ sở của việc thực hiện dịch vụ thu gom, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và quy định giá cụ thể.

Điều 58 Quản lý chất thải rắn sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

– Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường hoặc quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều này.

– Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này có trách nhiệm sau:

a) Ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt;

b) Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến cơ sở xử lý do chính quyền địa phương lựa chọn theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường;

c) Thanh toán chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của chính quyền địa phương, trừ chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường.

– Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này có trách nhiệm sau:

a) Ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt;

b) Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết, trạm trung chuyển bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

c) Thanh toán chi phí vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của chính quyền địa phương, trừ chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường.

Trên đây là những quy định mới liên quan đến chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Hà Vy

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh hoạ. ITN