Nhựa và sự khẩn cấp trong bảo vệ môi trường

Môi trường đang đối diện với một thách thức đe dọa nghiêm trọng, và tên gọi của nó là chất thải nhựa.

Trung bình, mỗi phút trên thế giới có khoảng một triệu chai nhựa được tiêu thụ. Số liệu này không chỉ là một con số khô khan, mà là một tín hiệu cảnh báo đầy rõ ràng về sự cần thiết phải hành động ngay lập tức để bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm bao bì từ nhựa, với sự tiện lợi và giá thành thấp, đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết sản lượng hàng năm của nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức cao nhất 1,2 tỷ tấn vào năm 2060, với lượng chất thải sẽ vượt quá 1 tỷ tấn.

Theo một nghiên cứu gần đây, tổng khối lượng nhựa trên trái đất ngày nay đã gấp 4 lần khối lượng của tất cả loài động vật sống. Hiện nay, thế giới đang phát sinh 200 triệu tấn chất thải nhựa trong lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng năm. Con số này tương đương với khối lượng của khoảng 523 nghìn tỷ ống hút nhựa. Nếu số ống hút này được xếp nối tiếp nhau theo chiều dài thì có thể quấn quanh thế giới khoảng 2,8 triệu lần. Đó một trong những số liệu được đưa ra trong báo cáo “Nhựa: Chi phí đối với xã mội, môi trường và nền kinh tế” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) năm 2021. Chúng ta đang ở trong “thời đại của nhựa”, với sản lượng nhựa gần như tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua và dự kiến sẽ tăng lên hơn gấp ba vào năm 2050. Điều đáng lo ngại sản phẩm nhựa phần lớn đều trở thành rác thải.

Nhựa và sự khẩn cấp trong bảo vệ môi trườngHàng tỷ chai nhựa và không biết bao nhiêu tấn túi ni-lông kết thúc trong các đống chất thải hoặc ngoài đại dương. Ảnh: Sưu tầm

Hậu quả của việc sử dụng quá mức sản phẩm nhựa đang đe dọa sự sống còn của hệ sinh thái và con người. Nhựa rất khó phân hủy, hàng tỷ chai nhựa và không biết bao nhiêu tấn túi ni-lông kết thúc trong các đống chất thải hoặc ngoài đại dương mỗi ngày. Biển cả bị ô nhiễm bởi nhựa với những hình ảnh đau lòng của động vật biển chết do nuốt phải nhựa, đã trở thành một biểu tượng của mối đe dọa mà chúng ta đang đối mặt.

Ô nhiễm nhựa cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Các sản phẩm nhựa có thể chứa các hóa chất độc hại như bisphenol A (BPA) và các chất phụ gia khác, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như rối loạn hormone, ung thư và các vấn đề hô hấp.

Nhựa và sự khẩn cấp trong bảo vệ môi trườngBãi biển nổi tiếng Kuta ở Bali, Indonesia ngập trong rác thải nhựa. Ảnh: APP

Từ dưới sâu thẳm đại dương cho đến đỉnh núi cao, không có chỗ nào là không có rác thải nhựa của con người xả ra. Hàng triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm, phần lớn từ nhiên liệu hóa thạch, bị xả thẳng vào môi trường và phân hủy thành các mảnh nhựa nhỏ. Thông qua chuỗi thức ăn, việc hít thở, hằng ngày con người đã hấp thụ vi nhựa vào cơ thể. Ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện ra vi nhựa xuất hiện trong cơ thể con người, từ phổi, lá lách, thận và thậm chí cả nhau thai.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác từ tất cả các bên liên quan. Chính phủ cần thúc đẩy các chính sách và quy định hạn chế việc sử dụng nhựa không cần thiết và khuyến khích tái chế. Doanh nghiệp cần phải chịu trách nhiệm trong việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường và thúc đẩy sự chuyển đổi từ nhựa sang các vật liệu tái chế. Các cá nhân cũng cần phải chịu trách nhiệm trong việc giảm thiểu sử dụng nhựa và có thái độ tiêu dùng bền vững.

Chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa. Để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, cần phải có hành động ngay lập tức để giảm bớt sự tiêu thụ sản phẩm nhựa và chuyển sang các giải pháp thân thiện với môi trường, cùng nhau tạo ra một tương lai sạch sẽ và bền vững cho thế hệ tương lai.

Hà Thắm

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Chúng ta đang ở trong thời đại của nhựa. Ảnh: Sưu tầm