Nhiều tỉnh miền Bắc ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Hôm nay nhiều tỉnh miền Bắc có chất lượng không khí xấu. Nguyên nhân của hiện tượng ô nhiễm này do tình trạng nghịch nhiệt (chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm quá lớn).

Ngày 26/10, các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng Bắc Bộ phần lớn có chất lượng không khí ở mức từ không tốt đến có hại cho sức khỏe trên các ứng dụng cảnh báo ô nhiễm không khí. Các điểm đo có chất lượng không khí ở mức có hại gồm xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, có chỉ số 159; thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội, có chỉ số 166. Chất lượng không khí tại điểm đo huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng ở mức xấu với chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 234,7.

Theo các chuyên gia khí tượng, ô nhiễm không khí vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố. Tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, thời tiết khô hanh khiến lượng bụi mịn trong không khí duy trì lâu hơn. Tình trạng bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí.

Nguyên nhân của hiện tượng ô nhiễm này do tình trạng nghịch nhiệt (chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm quá lớn). Nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới. Nghịch nhiệt xảy ra hầu như ở tất cả các thời điểm khác nhau của năm, thường xảy ra với tần suất cao vào mùa Đông khi không khí ổn định, đêm kéo dài và có không khí lạnh tràn về.

Hiện tượng nghịch nhiệt với đặc điểm khiến không khí bên dưới nó ổn định không thể khuếch tán lên cao là một phần nguyên nhân làm chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn trong khoảng thời gian trên. Người cao tuổi và trẻ em là nhóm người nhạy cảm về chịu nhiều ảnh hưởng đối với sự suy giảm chất lượng không khí đặc biệt với các bệnh về đường hô hấp, bệnh liên quan đến tim mạch.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra văn bản đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường…

TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, đối với những ngày có chỉ số AQI cao, người dân cần hạn chế ra đường đi lại nếu không có công việc thật sự cần thiết. Những khung giờ cao điểm, lưu lượng xe đi lại tăng, người dân cũng cần tránh để giảm thiểu lượng bụi hít phải trong không khí. Khi cần đi ra ngoài, nên đi tranh thủ để hạn chế thời gian di chuyển, lưu lại trên đường.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay thì cần hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương; tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới.

Tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; phổ biến áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, đặc biệt là vận chuyển về ban đêm. Thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải của đô thị; Giáo dục nhân dân giữ gìn vệ sinh đường phố, không xả rác ra đường, cống, rãnh.

Vận động nhân dân và áp dụng các chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị; đối với người dân ngoại thành áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hợp lý, chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp.

Tô Hội – Báo SK&ĐS

Theo Sức khỏe & Đời sống

Ảnh: Nhiều tỉnh miền Bắc ô nhiễm không khí do hiện tượng nghịch nhiệt.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://suckhoedoisong.vn/nhieu-tinh-mien-bac-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-169231026160003101.htm