Nhiều hồ đập ở Vĩnh Phúc đang mất an toàn!

Thời gian xảy ra mưa, lũ phần lớn vào ban đêm, độ cảnh giác của người dân xuống thấp. Nếu xảy ra sự cố vỡ đập rất khó xử lý và ứng cứu kịp thời.

Theo ông Đinh Gia Thành – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nguy cơ mất an toàn, dẫn đến tràn, vỡ hồ đập trong mùa mưa lũ chủ yếu nằm ở các hồ, đập nhỏ có dung tích dưới 1 triệu m3, đặc biệt là các hồ, đập ở các huyện miền núi như Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo.

Các hồ, đập này nằm ở vùng cao, có độ dốc lớn, tập trung dòng chảy nhanh nên khả năng trữ nước nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập rất cao khi có mưa, lũ lớn.

Bên cạnh nguy cơ mất an toàn từ những hồ, đập nhỏ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc có 55 hồ, đập chứa nước đang bị rò rỉ, nước thấm qua thân đập với mức độ nhẹ; 30 hồ, đập xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng; 13 thân cống hư hỏng.

Dẫn đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đi kiểm tra một số công trình hồ, đập mất an toàn, ông Đinh Gia Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, cho biết hồ Lập Đinh có dung tích trữ 2 triệu m3 có đập đất dài 280m, mái hạ lưu trồng cỏ bị sạt trượt, xuất hiện tổ mối, thân đập và vai đập bị thấm mạnh. Đặc biệt, đường quản lý vào hồ và trong lòng hồ là nền đất, vì vậy rất khó khăn trong công tác quản lý vào mùa mưa lũ.

Thân đập hồ Lập Đinh có dung tích trữ thiết kế khoảng 2 triệu m2 đang xuất hiện nhiều tổ mối. Ảnh: Minh Phúc.

Để đảm bảo an toàn hồ chứa và thuận lợi cho công tác quản lý vận hành, Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đề xuất cho đầu tư sửa chữa các hạng mục như chống thấm thân đập, xử lý mối thân đập, chỉnh trang lại mái hạ lưu, kiên cố hóa đường quản lý vào hồ và kết hợp cứu hộ…

Còn đối với hồ Vân Trục, hiện nay các hạng mục của đập như hạ lưu mái đập, mặt đập đã xuống cấp. Hồ không có tràn sự cố và năng lực xả lũ của tràn chính cũng không đáp ứng theo Tiêu chuẩn Việt Nam năm 2002, thân đập bị thấm. Bên cạnh đó, do được xây dựng lâu năm nên có hiện tượng bồi lấp lòng hồ.

Cũng theo ông Đinh Gia Thành, hiện nay hồ Bản Long bị hỏng hệ thống đóng mở tháp van phía thượng lưu và máy đóng mở hạ lưu, không vận hành được. Vì vậy lưu lượng qua cống từ 0,35 đến 0,4m/s (chảy suốt ngày đêm). Sở NN-PTNT đã đề xuất UBND tỉnh cho sửa chữa trong mùa mưa lũ, nhưng hiện nay chưa có nguồn vốn để tổ chức sửa chữa.

Đặc biệt, tại hồ Đồng Mỏ, đập phụ 1 dưới hạ lưu cách chân đập 50m bị thấm nặng tại cao trình 55 với diện tích thấm 100m2 đã làm chết cây cối của người dân.

Theo ông Đinh Gia Thành, nhờ nguồn vốn của tiểu dự án WB8, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nâng cấp và sửa chữa 11 hồ chứa nước tại địa bàn các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo và TP Phúc Yên để đảm bảo an toàn hồ chứa, giảm thiểu nguy cơ vỡ đập, bảo vệ người và tài sản ở hạ lưu công trình với tổng mức đầu tư khoảng 190 tỷ đồng.

Hồ Đa Mang được đầu tư cải tạo, sửa chữa và nâng cấp bằng nguồn vốn của dự án WB8, đã đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ. Ảnh: Minh Phúc.

“Đến nay, 11 công trình đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng và có thể hoàn thành vào cuối năm 2020 theo đúng kế hoạch đề ra ban đầu”, ông Thành nói. Bên cạnh đó 3 công trình được bổ sung vốn để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cũng đã bắt đầu được triển khai thi công.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Hà – Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) đánh giá: “Vĩnh Phúc là một trong những địa phương triển khai nhanh nhất các dự án đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hồ, đập của tiểu dự án WB8”.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa triển khai việc kiểm định, đánh giá an toàn hồ đập. Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 135 hồ chứa, nhưng mới chỉ có 28 công trình có phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó khẩn cấp.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho rằng, để quản lý hồ đập tốt hơn, tỉnh Vĩnh Phúc cần bố trí kinh phí để cắm mốc phạm vi công trình thủy lợi, tránh để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng hồ làm giảm công năng của hồ chứa.

Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, đánh giá và phân loại mức độ an toàn của từng công trình trước mùa mưa bão hàng năm, làm cơ sở để vận hành hồ chứa. Nếu hồ chứa đảm bảo an toàn thì cho phép tích nước theo mực nước dâng bình thường; những hồ có nguy cơ xảy ra sự cố thì hạn chế tích nước hoặc không cho tích nước.

Tuyệt đối không được “tham bát bỏ mâm”, tích nước vượt quá mực nước dâng bình thường theo quy trình vận hành của từng hồ chứa, bởi có thể gây ra các sự cố ngoài ý muốn, tác động lớn đến vùng hạ du.

Minh Phúc – Báo Nông Nghiệp

Theo Nông Nghiệp

Ảnh: Một số hạng mục của đập dâng Liễn Sơn đã xuống cấp và hư hỏng, gây mất an toàn vào mùa mưa lũ. Ảnh: Minh Phúc.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nongnghiep.vn/nhieu-ho-dap-o-vinh-phuc-dang-mat-an-toan-d274904.html