Nhanh chóng kiểm điểm Chủ tịch UBND xã để xảy ra tình trạng vứt xác lợn ra môi trường

Thời gian đầu khi dịch tả lợn châu Phi mới phát sinh, người dân chưa được tuyên truyền nên đã xảy ra tình trạng vứt xác lợn ra môi trường. Huyện Đan Phượng đã nhanh chóng xử lý kiểm điểm với người đứng đầu địa phương.

Chiều 11-6, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra đầu tiên ngày 6-4 tại một hộ gia đình ở khu chăn nuôi tập trung thôn La Thạch, xã Phương Đình. Ngay khi xảy ra dịch, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, đã thành lập Ban chỉ đạo, các tổ công tác, tổ kiểm tra, lập các chốt kiểm dịch trên địa ban toàn huyện. Chủ động cập nhật thông tin và tích cực tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cộng đồng.

Cùng đó, tổ chức các hội nghị khẩn cấp về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với Ban chỉ đạo phòng chống dịch, các phòng ban, ngành chuyên môn ở huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn. Hướng dẫn tổ chức, triển khai phòng, chống dịch bệnh, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh đến từng hộ, thôn, xóm, kịp thời khoanh vùng, khống chế.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, mặc dù đã được các cấp ngành tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với dịch bệnh tả lợn châu Phi nhưng do yếu tố thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nhiều huyện tiếp giáp đã xảy ra dịch bệnh. Hơn nữa bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên dịch có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển có nơi chưa chặt chẽ, địa điểm tiêu hủy chưa chuẩn bị tốt, việc tiêu hủy lợn với số lượng lớn ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường; công tác khử trùng tiêu độc ở một số xã còn hạn chế, vẫn có hộ vứt xác lợn ra môi trường và do mưa trong thời gian từ 30-4 đến tháng 5 làm phát tán vi-rút gây bệnh.

Đến ngày 9-6 trên địa bàn tổng đàn lợn còn 68.000 con, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 578 hộ chăn nuôi của 16 xã, thị trấn, số lợn phải tiêu hủy đến ngày 9-6 là 13.534 con, khối lượng 1.115,5 tấn.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thường trực huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ huyện tới xã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo thông báo của Thường trực Thành ủy về công tác phòng dịch tả lợn châu Phi.

Song song đó, căn cứ hướng dẫn của Sở Tài chính Hà Nội, UBND huyện đã hỗ trợ 3 đợt tiêu hủy cho 178 hộ với số tiền là 9,6 tỷ đồng; đợt 4 hỗ trợ tiêu hủy cho khoảng 100 hộ với tổng số tiền khoảng 6 tỷ đồng, công tác hỗ trợ cho người chăn nuôi được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng và theo quy định của TP.

Trả lời câu hỏi của PV báo PL&XH về việc vì sao có tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường, ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường là ở xã Hồng Hà, đã được chúng tôi xử lý triệt để bằng văn bản. Hiện tượng này xảy ra ở thời gian đầu dịch mới phát sinh, người dân chưa có kiến thức nên nghĩ lợn bị ốm đau đơn giản do chuyển mùa nên vứt đi mà không nghĩ đến lợn bị dịch tả châu Phi chứ không có chuyện không hỗ trợ kịp thời. Đến nay, sau khi được tuyên truyền người dân đã hiểu, khi có lợn ốm báo cho cán bộ thú y đến lấy mẫu test và tiêu hủy đầy đủ theo quy định.

Thời gian qua, huyện đã gắn trách nhiệm với lãnh đạo chính quyền xã và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trường hợp xã Hồng Hà xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường chúng tôi đã xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã vì không tuyên truyền, vận động đến tận nhân dân. Trong cuộc họp giao ban, chúng tôi đã lập biên bản phê bình Chủ tịch xã Hồng Hà.

Dự báo tình hình dịch tả lợn châu Phi còn phát sinh, lây lan và ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân tự phòng chống dịch. Thực hiện “5 không, 4 tại chỗ”: Không giấu dịch, không vứt xác động vật ra môi trường, không tiêu thụ lợn mắc bệnh, không sử dụng thức ăn chưa qua xử lý…

Đến nay dịch bệnh đã chững lại nhưng việc ngăn chặn còn phụ thuộc vào thời tiết. Thời tiết xấu, lợn yếu miễn dịch kém nên huyện đang nỗ lực tập trung phòng dịch đảm bảo đời sống người dân. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời, động viên người dân để tạo điều kiện cho họ quay sang làm việc khác, nâng cao đời sống. Hiện trên địa bàn huyện có một số hộ kết thúc nuôi lợn và chuyển sang chăn nuôi gia cầm, không để chuồng trống.

Thịnh An – Báo PL&XH

Theo Pháp luật & Xã hội

Ảnh: Việc phòng dịch tả lợn châu Phi chủ yếu phụ thuộc vào việc khử trùng, sát khuẩn của mỗi hộ chăn nuôi. Ảnh:T.A

Xem bài viết gốc tại đây:

https://phapluatxahoi.vn/nhanh-chong-kiem-diem-chu-tich-ubnd-xa-de-xay-ra-tinh-trang-vut-xac-lon-ra-moi-truong-151700.html