Những tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì nào sẽ phải thực hiện trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải? Và phải thực hiện theo trình tự như thế nào?
Theo Điều 83 – Nghị định 08/2022/NĐ_CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì sau đây phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải: Thuốc bảo vệ thực vật (bao bì thuốc bảo vệ thực vật); Pin dùng một lần các loại; Tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; Kẹo cao su; Thuốc lá; Các sản phẩm khác có thành phần nhựa tổng hợp.
Ngoài ra, phụ lục của Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các sản phẩm khác có thành phần nhựa tổng hợp thuộc đối tượng phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải gồm các nhóm: Khay, bát, đũa, ly, cốc, dao, kéo, đũa, thìa, dĩa, ống hút, que khuấy, hộp đựng, màng bọc thực phẩm sử dụng một lần; Bóng bay, băng keo dán, tăm bông tai, tăm chỉ kẽ rang, bàn chải đánh răng dùng một lần, kem đánh răng dùng một lần, dầu gội, dầu xả dùng một lần, dao cạo râu dùng một lần; Quần, áo các loại và phụ kiện; Đồ da, túi, giày, dép các loại; Đồ chơi trẻ em các loại; Đồ nội thất các loại; Vật liệu xây dựng các loại; Túi ni lông khó phân hủy sinh học…
Tuy nhiên, cũng theo khoản 1, Điều 83 – Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm bao bì không phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải.
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì nêu trên nhưng không phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải nếu thuộc một trong 5 trường hợp: Sản xuất sản phẩm, bao bì để xuất khẩu; Tạm nhập, tái xuất; Sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; Nhà sản xuất có doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; Nhà nhập khẩu có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
– Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể:
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động quy định tại khoản 3 Điều này, trừ sản phẩm xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đóng góp tài chính, vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; mức đóng góp tài chính được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì.
3. Các hoạt động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phục vụ hoạt động xử lý chất thải bao gồm:
a) Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân;
b) Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
c) Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật…
– Nhà sản xuất có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng.
– Nhà nhập khẩu có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Như vậy, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì thuộc các trường hợp nêu trên thì sẽ không phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải.
Trình tự đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải
Căn cứ Điều 84 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định trình tự thực hiện đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải như sau:
Nhà sản xuất, nhập khẩu tự kê khai và gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải theo mẫu hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 31 tháng 3 hằng năm. Việc kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải được tính theo khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu của năm liền trước. Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin trong bản kê khai.
Trước ngày 20/4 hàng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc có thể lựa chọn nộp tiền thành hai lần: lần thứ nhất nộp tối thiểu 50% tổng số tiền trước ngày 20 tháng 4 và lần thứ hai nộp số tiền còn lại trước ngày 20 tháng 10 cùng năm.
Trong trường hợp kê khai khối lượng sản phẩm, bao bì thấp hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường và nhập khẩu thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp số tiền cho phần chênh lệch trong năm tiếp theo; trường hợp kê khai lượng sản phẩm, bao bì nhiều hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu thì được trừ số tiền đã nộp cho phần chênh lệch trong năm tiếp theo.
Lan Anh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Ảnh minh họa
Xem bài viết gốc tại đây: